Ngày 3-2, tức một ngày sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước chính thức công bố việc mua lại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng/cổ phần, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hoạt động của VNCB vẫn diễn ra bình thường. Chi nhánh của NH trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM vẫn có khách đến giao dịch.
Từng bị kiểm soát đặc biệt
Trước đó, tại phiên họp Đại hội cổ đông bất thường của VNCB hôm 31-1, NH này đã công khai kết quả kiểm toán độc lập, thực trạng tài chính, giá trị thực, vốn điều lệ và công bố phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Đại hội đồng cổ đông của VNCB đã ra quyết nghị không thông qua phương án bổ sung vốn nhằm bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu (3.000 tỉ đồng).
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-NHNN ngày 1-8-2013 (hiệu lực từ ngày 20-9-2013) về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông VNCB, NH Nhà nước đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/cổ phần. Như vậy, VNCB là NH thương mại thứ 2 trong hệ thống NH có 100% vốn sở hữu nhà nước sau NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).
Dù từ năm 2013, Chính phủ đã có Quyết định 48 cho phép NH Nhà nước được góp vốn mua cổ phần ở các NH bị kiểm soát đặc biệt nhưng đây là lần đầu tiên NH Nhà nước tham gia tái cơ cấu bằng phương thức này. Biện pháp mua lại cổ phần của các tổ chức tín dụng yếu kém được thực hiện sau khi tổ chức tín dụng đã bảo đảm khả năng chi trả nhờ hỗ trợ tái cấp vốn từ NH Nhà nước. \
Theo quy định, việc mua lại cổ phần bắt buộc, vốn góp của NH Nhà nước có thể bằng tiền, chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ giá trị dư nợ khoản cho vay đặc biệt, cho vay tái cấp vốn (nếu có) hoặc có thể sử dụng các công cụ nợ…
Với VNCB, từ năm 2011 - khi còn mang tên NH Đại Tín (Trustbank) - NH đã bắt đầu gặp khó khăn về thanh khoản và thuộc nhóm phải tái cơ cấu theo yêu cầu của NH Nhà nước. Đến khoảng năm 2012, NH này thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt.
Tháng 5-2013, Trustbank đổi tên thành VNCB sau khi có Tập đoàn Thiên Thanh và nhóm cổ đông mới tham gia. Thời điểm đó, Tập đoàn Thiên Thanh và nhóm cổ đông khoảng 20 cá nhân đã mua lại hơn 80% cổ phần của các cổ đông cũ tại VNCB, riêng Tập đoàn Thiên Thanh trở thành đối tác chiến lược.
Giữa năm 2014, trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch HĐQT của NH, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh lúc đó là ông Phạm Công Danh, cho biết đang vận động nhóm cổ đông mới trong lĩnh vực xây dựng tiếp tục góp vốn để NH đạt giá trị thực của vốn điều lệ và còn dự tính tăng vốn lên 7.500 tỉ đồng.
Theo thông tin VNCB công bố, NH này có tất cả 545 cổ đông thể nhân và 6 cổ đông pháp nhân tham gia góp vốn cổ phần. Trong đó, các pháp nhân gồm Agribank, Công ty Lương thực Long An, Tập đoàn Thiên Thanh... Nay, với việc quốc hữu hóa VNCB thành NH 100% vốn nhà nước, mọi quyền và lợi ích, tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của NH này sẽ chấm dứt.
Quyền lợi người gửi tiền vẫn bảo đảm
Một chuyên gia tài chính phân tích VNCB do các cổ đông thể nhân và pháp nhân góp vốn lập nên, nay hoạt động thua lỗ, bị nợ xấu không thể tự xử lý được. Nhóm cổ đông hiện hữu không đồng ý phương án bổ sung vốn, buộc NH Nhà nước phải can thiệp.
“Quan trọng là quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm và không làm xáo trộn hệ thống NH. Về mặt pháp lý, có thể các cổ đông còn được lợi khi không phải chịu trách nhiệm với những khoản nợ của VNCB chưa trả được” - vị chuyên gia này nhìn nhận.
Ở các nước trên thế giới, việc NH trung ương mua lại toàn bộ cổ phần của một NH thương mại không phải hiếm nhưng đây là lần đầu tiên ở Việt Nam. Ấn Độ là một điển hình, NH trung ương nước này từng quốc hữu hóa một số NH thương mại yếu kém không thể tự xử lý được.
“Với VNCB, việc NH Nhà nước đứng ra mua lại toàn bộ để tái cơ cấu, không chỉ bảo đảm quyền lợi người gửi tiền mà còn cho thấy quyết tâm muốn lành mạnh hệ thống NH của nhà quản lý” - vị chuyên gia này phân tích.
Theo NH Nhà nước, nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ sẽ giúp VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu đã được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn.
Trong khi đó, phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM cho biết ông cảm thấy bất ngờ với bước đi mạnh mẽ của NH Nhà nước với VNCB. Theo ông, bước đi này là cần thiết để “siết” lại hoạt động của các tổ chức tín dụng. “Các NH thuộc diện yếu kém sẽ nhìn vào VNCB để nỗ lực tự tái cơ cấu, tìm kiếm đối tác sáp nhập” - vị này nhận xét.
Cổ phiếu ngân hàng giảm sàn
Ngày 3-2, thị trường chứng khoán gặp một “cú sốc” lớn khi về cuối phiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo, nhiều mã giảm kịch sàn như BID, CTG, EIB, STB, VCB. Các mã ngân hàng khác cũng giảm khá lớn như ACB (-5,36%), SHB (5,68%), MBB (-5%). Diễn biến này khiến VN-Index mất đến 12,9 điểm và HNX-Index mất 1,86 điểm, giảm sâu nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank KimEng, cho rằng có 2 lý do chính khiến nhà đầu tư lo lắng và bán tháo cổ phiếu ngân hàng: Thông tư 36 với quy định hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán đã có hiệu lực từ đầu tháng 2; bên cạnh đó là thông tin chính thức về việc quốc hữu hóa VNCB với giá 0 đồng. “Nhà đầu tư có thể đặt vấn đề rằng các NH yếu kém khác sẽ như thế nào nếu không có ai mua?” - ông Khánh suy luận.
S.Nhung
Sai phạm vì cố ý làm trái
Tháng 7-2014, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai, nguyên Chủ tịch và Tổng Giám đốc VNCB. Hai ông này bị khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.
Tháng 8-2014, VNCB và Vietcombank ký kết hợp tác chiến lược toàn diện theo hướng Vietcombank cử người tham gia quản trị, điều hành và hỗ trợ VNCB trong quá trình tái cơ cấu, vượt qua khó khăn.
Bình luận (0)