Ngày 10-3, rảo quanh các đồng lúa đang thu hoạch ở ĐBSCL, nhiều hộ dân cho biết mấy ngày qua, thương lái và đại diện các doanh nghiệp (DN) đã đến thu mua lúa tươi (giống IR 50404) tại chỗ với giá từ 4.200- 4.350 đồng/kg, tăng hơn 200 đồng/kg so với trước khi triển khai chương trình thu mua tạm trữ.
Giá tăng
Thậm chí có thương lái còn tranh mua lúa với DN nên đưa tiền cọc trước cho nông dân từ 40%-50%. Anh Thái, một thương lái ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang), cho biết trong 3 ngày qua, ghe của anh phải chạy liên tục vào những cánh đồng sâu để đặt cọc tiền cho dân sau khi ra giá 4.200 đồng/kg. Tuy nhiên, anh Thái cho biết mua lúa tươi về sấy rồi trữ lại để xay ra gạo bán chứ không cung cấp ngay cho các DN được giao chỉ tiêu mua tạm trữ.
Không chỉ lúa thường tăng giá, lúa thơm cũng đang nhích dần khiến nông dân vui ra mặt. Ông Nguyễn Ngọc Thạch (xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết 5 ha lúa Jasmin của ông đang được các thương lái túc trực chờ thu hoạch đến đâu là thu gom đến đó với giá 4.800 đồng/kg. “Nói thật là trước Tết Nguyên đán, tôi rất lo vì lúa liên tục rớt giá. Thế nhưng từ khi Chính phủ cho DN vay tiền không lãi suất mua tạm trữ, nên khoảng hơn tuần nay giá lúa tăng lên 300 đồng/kg. Với giá thế này, nếu tôi trồng lúa thường sẽ có lãi hơn vì tiết kiệm chi phí hơn lúa thơm” - ông Thạch chia sẻ.
Cũng theo ông Thạch, thấy giá tăng lên là ông đồng ý bán liền chứ không cần để ý tới việc thương lái có phải là “cánh tay nối dài” của DN trong thu mua lúa tạm trữ theo chỉ tiêu được giao hay không.
Doanh nghiệp kể khổ
Trái với sự phấn khởi của nông dân, một số DN được giao chỉ tiêu mua lúa tạm trữ bắt đầu than vãn trước nhiều lý do khiến quá trình thu mua của họ gặp khó khăn. Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, cho biết đến thời điểm hiện tại, các DN trên địa bàn vẫn chưa thể thực hiện thu mua tạm trữ dù tất cả đang trong tư thế sẵn sàng. Nguyên nhân do còn một số DN đang chờ được ngân hàng giải ngân do DN gặp khó khăn trong xuất khẩu năm 2014 nên ngân hàng e ngại khi cho vay.
Còn ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty CP Gentraco (TP Cần Thơ), cho biết mấy ngày qua, DN gặp khó khăn trong tổ chức thu mua do thiếu phương tiện vận chuyển và lò sấy bị quá công suất nên phải thuê mướn thêm bên ngoài. Cũng theo ông Kiên, DN đang vận động bà con phơi lúa khô để thuận tiện hơn trong việc thu mua. “Chúng tôi mới mua được 2.580/18.000 tấn theo chỉ tiêu. Trong 5 ngày nữa, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết mua hết lúa tại các cánh đồng do DN đầu tư” - ông Kiên khẳng định.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thừa nhận khi triển khai mua lúa tạm trữ, do đến mùa thu hoạch rộ nên lò sấy bị quá tải, cộng với việc thiếu phương tiện vận chuyển đã gây áp lực cho DN.
Tại tỉnh Trà Vinh, theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương, đến nay DN trên địa bàn tỉnh đã triển khai mua được 5.000/13.000 tấn lúa theo chỉ tiêu phân bổ. Dự kiến đến ngày 25-3, các DN của tỉnh sẽ hoàn tất chỉ tiêu được giao. “Do đây là những DN từng được phân bổ chỉ tiêu ở các lần thu mua tạm trữ trước nên tiếp cận khá dễ dàng với ngân hàng trong quá trình vay vốn” - ông Tuấn cho biết.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến nay đã có 128 thương nhân tham gia thu mua lúa theo chỉ tiêu được giao nhưng số lượng mua đến ngày 10-3 chỉ được 79.368 tấn (đạt khoảng 8%). Những DN lớn tiếp cận tín dụng dễ dàng nhưng ngân hàng rất dè dặt cho DN nhỏ vay vốn. Hiện hiệp hội chưa biết giải quyết việc này thế nào.
Lo doanh nghiệp lại trả chỉ tiêu
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã chấp thuận cho 17 ngân hàng thương mại triển khai cho DN vay vốn để thu mua lúa gạo tạm trữ. Các ngân hàng này có văn bản tự nguyện và cam kết đủ nguồn vốn phát vay nên trong quá trình đến làm thủ tục vay, ngân hàng nào từ chối với lý do hết tiền thì DN báo ngay lên NHNN.
Tuy nhiên, NHNN cũng đặt ra câu hỏi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam rằng trong đợt thu mua tạm trữ vào năm 2013-2014, trong 6 DN trả lại chỉ tiêu thì có đến 5 DN không đủ tư cách pháp lý để vay vốn nên bị các ngân hàng từ chối. Đợt thu mua tạm trữ lần này, 3 trong 6 DN đó lại có tên trong danh sách được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa tạm trữ, vậy liệu có ổn không?
Bình luận (0)