Vụ việc 21 du khách ở khu vực phía Bắc mua tour trọn gói và bỏ trốn tại Israel vừa được Tổng cục Du lịch cảnh báo khiến không ít công ty du lịch bất ngờ bởi đây không phải là thị trường du lịch được các doanh nghiệp (DN) chú ý hoặc có tiềm năng khai thác.
Sơ hở là bỏ trốn
Một số hướng dẫn viên du lịch cho biết 21 du khách bỏ trốn vào giờ nghỉ tại nơi lưu trú. Họ lấy lý do đi tham quan ban đêm và đi luân phiên từng người nên khó biết để ngăn chặn. Chỉ đến khi xem lại camera, công ty du lịch mới phát hiện vụ việc.
Theo Tổng cục Du lịch, việc du khách Việt bỏ tour và tìm cách trốn ở lại bất hợp pháp tại Israel gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng cả 2 nước trong việc tìm kiếm và trục xuất người bỏ trốn về nước. Vụ việc này còn ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của du lịch Việt Nam tại Israel nói riêng và những điểm đến quốc tế nói chung.
Đây không phải lần đầu tình trạng khách du lịch mua tour đi nước ngoài nhưng tìm cách ở lại làm lao động “chui” thay vì đi theo đường xuất khẩu lao động. Ông Nguyễn Tấn Trung - Trưởng Bộ môn Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành, Trường ĐH Văn Hiến - cho biết tình trạng khách du lịch tận dụng hình thức mua tour trọn gói rồi bỏ trốn ở lại thường xảy ra tại các nước khó xin visa như Hàn Quốc, Nhật; có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao…
Còn theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, hầu hết các trường hợp vượt biên “chui” đều thông qua các công ty du lịch nhỏ. Các công ty này chủ yếu làm du lịch theo kiểu ăn xổi hoặc “đánh quả” nên không ngại việc bị phạt hay ngưng tour. Trường hợp khách mua tour của các công ty lớn, uy tín để xuất ngoại rồi bỏ trốn ít xảy ra hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài vụ.
Làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Mỹ kể ông từng tiếp 1 đoàn khách đặt vấn đề tổ chức tour cho họ sang Úc khảo sát mô hình trường học ở đó để về làm dịch vụ du học nhưng thực chất là muốn “vượt biên” qua xứ sở kangaroo. Qua tiếp xúc, nhận ra mục đích của họ, Lửa Việt đã từ chối.
Cũng theo ông Mỹ, thời gian gần đây, tình trạng người Việt Nam xuất ngoại “chui” ra nước ngoài dưới hình thức đi du lịch rất phức tạp. Đây thực chất là một kiểu vượt biên, có tổ chức hẳn hoi. Hậu quả là ảnh hưởng xấu đến uy tín quốc gia đối với bạn bè thế giới. Chẳng hạn, lượng người Việt vượt biên “chui” qua Nga theo đường du lịch nhiều đến mức phía Nga đã áp dụng các biện pháp mạnh với du khách đến từ Việt Nam. Cụ thể là chi phí xin visa đi Nga rất đắt, cao hơn cả xin visa đi Mỹ. Ngoài ra, quốc gia này chỉ cấp visa đúng số ngày khách mua tour, hạn chế cho người dưới 35 tuổi ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương du lịch sang Nga.
Hay như tại Thái Lan, lo ngại trước tình trạng Việt Nam xuất khẩu tệ nạn sang Thái (lao động “chui” người Việt ở Thái hành nghề mại dâm, móc túi...) nên chính quyền Thái quy định rõ công dân Việt Nam du lịch tự túc sang nước này phải có từ 1.000 USD tiền mặt trở lên mới được nhập cảnh. Trong khi đó, công dân đến từ Lào, Campuchia không bị áp dụng quy định này... Đây là những mảng xám đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được ngành du lịch quan tâm, có biện pháp chấn chỉnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đài Loan đang siết chặt kiểm soát, quy định các công ty du lịch đưa khách sang tour trước phải trả khách đầy đủ thì tour sau mới tiếp tục đến. Các nước ở châu Âu, Mỹ, Úc cũng kiểm soát rất gắt gao đối với du khách.
Nhiều hệ lụy
Nhiều DN lữ hành cho biết việc khách bỏ trốn ở nước ngoài không chỉ ảnh hưởng lớn đến uy tín của DN mà còn gây ra nhiều hệ lụy. Nếu xảy ra sự cố này, công ty du lịch sẽ bị một số chế tài như bị ngưng tour trong 1-2 tháng sang thị trường đó, đồng nghĩa với thiệt hại do hoãn tour, mất tiền đặt cọc các dịch vụ lưu trú, du lịch... Đồng thời, đại sứ quán nước sở tại sẽ yêu cầu DN làm báo cáo, thậm chí DN còn bị đánh dấu trong “danh sách đen” sẽ rất khó để xin visa cho những tour sau.
Tuy nhiên, đối phó với những du khách cố tình bỏ trốn không phải đơn giản. Với tour quốc tế, mỗi đoàn chỉ có 1 hướng dẫn viên đi theo làm thủ tục, hướng dẫn cho vài chục người nên rất khó kiểm soát nếu khách cố tình trốn.
Bình luận (0)