Ngày 12-1, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn về việc khắc phục sự cố kỹ thuật xảy ra tại nhà máy này.
Trước đó, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) tạm dừng phân xưởng RFCC từ đầu tháng 1-2023 để khắc phục sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt áp tái sinh.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện NSRP cho biết ở thời điểm hiện tại, mặc dù với việc tạm dừng phân xưởng RFCC để sửa chữa nhưng nhà máy đã cân đối sức chứa, tối ưu tồn kho và duy trì vận hành ổn định ở công suất đầu vào 85%. Các phân xưởng công nghệ khác đang vận hành bình thường ở công suất cân bằng và cao.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiểm tra tiến độ khắc phục sự cố tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Sản lượng xăng dầu sản xuất và cung cấp ra thị trường hiện tại duy trì là 17.000 m3/ngày, lượng tồn kho tại thời điểm ngày 12-1 đối với xăng là 67.535 m3, dầu diesel là 58.738 m3 và Jet A1 là 14.863 m3, đáp ứng đủ thông báo với bên bao tiêu sản phẩm và các thương nhân đầu mối.
Cũng theo báo cáo của NSRP, tổng sản lượng cung cấp ra thị trường trong tháng 1-2023 sẽ đạt 600.000 m3. Sản lượng xăng dầu kế hoạch đã báo cáo (tối thiểu) của tháng 2 sẽ là 620.000 m3 và tháng 3 là 770.000 m3. Tổng khối lượng quý I/2023 giảm một lượng so với kế hoạch.
Liên quan đến sự cố đang xảy ra tại nhà máy, ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cho biết đã huy động đủ và kịp thời các nguồn nhân lực, vật tư và dụng cụ cần thiết để tiến hành công việc từ ngày 4-1.
Theo ông Vinh, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ và bàn giao thiết bị để khởi động lại trong sáng ngày 14-1. Sau khoảng 3 đến 4 ngày phân xưởng RFCC sẽ ổn định ở công suất 100% và sẽ tăng lên đến 105-107% để bù đắp sự thiếu hụt.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá nỗ lực của NSRP trong việc duy trì vận hành, sản xuất các sản phẩm xăng dầu cung cấp cho thị trường trong nước, góp phần vào việc ổn định thị trường xăng dầu trong nước, đảm bao an ninh năng lượng cho Việt Nam.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong quá trình vận hành, nhà máy vẫn xảy ra những sự cố ảnh hưởng đến hoạt động, đặc biệt có những sự khiến nhà má phải dừng vận hành tạm thời.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, các sự cố xảy ra đã làm gián đoạn vận hành nhà máy, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước, đặc biệt trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng cao, việc này cũng gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình điều hành thị trường xăng dầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Người đứng đầu Bộ Công Thương đề nghị Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cùng với bên bao tiêu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bảo đảm nguồn cung ra thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những sự cố mà doanh nghiệp đang gặp phải được khắc phục nhanh và chứng minh bằng việc bảo đảm nguồn cung ra thị trường như sản lượng đã cam kết. Bộ trưởng nhấn mạnh nhà máy phải nỗ lực thật cao để hoàn thành việc sự cố kỹ thuật ngay trong hôm nay hoặc ngày mai, muộn nhất là ngày 15-1 phải đi vào hoạt động, trở lại đủ công suất.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý phải huy động nguồn dự trữ thương mại kể cả thành phẩm, bán thành phẩm, liên kết với Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn và trong các kho dự trữ bảo đảm sản lượng giao cho các doanh nghiệp đầu mối không được giảm so với cam kết.
Về dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận công ty đã rất quyết liệt trong việc tái cơ cấu bộ máy tổ chức để liên doanh hoạt động thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng không chỉ về mặt tổ chức mà cần phải tái cơ cấu các hoạt động, đặc biệt tái cơ cấu về mặt tài chính, chi phí và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Công nhân khắc phục sự cố tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
"Công ty phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với các nhà phân phối. Bởi công ty và các nhà phân phối đã có những cam kết rất chặt chẽ, phía Việt Nam đã có cam kết cụ thể nhưng phía nhà máy chưa thể hiện sự cam kết của mình trong việc cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp đầu mối. Đã có một số lần phía nhà máy đều đột ngột thông báo dừng. Sự cố là không ai mong muốn nhưng phải nỗ lực, có sự chia sẻ khó khăn, chia sẻ rủi ro cho những nhà phân phối" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh phía nhà mát cần phải bảo đảm nguồn theo cam kết và phải nghiêm túc nghiên cứu, sớm chấp nhận điều khoản bồi hoàn cho người mua khi nhà máy gặp sự cố không giao được hàng cho khách hàng, giảm sản lượng, bởi đây là thông lệ quốc tế cần thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý không chỉ trước, trong sau Tết, nhà máy cần chủ động đặc cho việc bảo dưỡng định kỳ vào tháng 5. Bộ trưởng đề nghị ngay sau khi khắc phục sự cố thì phải khẩn trương đẩy công suất đến tối đa để có lượng hàng tối đa bù đắp cho khoảng hơn 50 ngày nhà máy thực hiện bảo dưỡng định, kể cả sản phẩm và bán thành phẩm, bằng việc tăng công suất kho chứa, thậm chí phải thuê để có sản lượng hàng dự trữ lớn nhất.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu căn cứ vào kế hoạch mà Chính phủ và Bộ Công Thương giao, chỉ đạo cho 2 nhà máy gồm Nghi Sơn và Bình Sơn tăng công suất tối đa có thể. Trong lúc Nghi Sơn bảo dưỡng thì Bình Sơn phải tăng công suất, có lượng hàng dự trữ thương mại lớn nhất, bù đắp được sản lượng cho dừng sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo cả 2 nhà máy có cơ chế thương thảo, chia sẻ lợi ích, rủi ro đối với các đơn vị có chúc năng phân phối xăng dầu để bảo đảm được sản lượng bị thiếu hụt.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn cung, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong giai đoạn trước, trong và sau Tết nguyên đán và đến hết quý I/2023. Cùng với đó, thực hiện đúng tiến độ, tổng nguồn xăng dầu đã được Bộ Công Thương phân giao năm 2023.
Bình luận (0)