Ông Dalley nói: “Chúng tôi rất lạc quan về triển vọng kinh doanh với VN. Hồi tháng 9-2007 ở New York, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đặt hàng với các doanh nghiệp Mỹ là làm sao đưa Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 ở VN vì Mỹ hiện đang đứng ở vị trí thứ 6. Chúng tôi thấy mục tiêu này chắc chắn sẽ đạt được và hoan nghênh thông điệp của Thủ tướng là VN đã sẵn sàng ký Hiệp định Đầu tư song phương (BIT) với Mỹ. Nếu hiệp định này đi vào hoạt động, đầu tư của Mỹ vào VN sẽ tăng vọt”.
. Phóng viên: Nền kinh tế Mỹ suy thoái có ảnh hưởng đến đầu tư, kinh doanh vào VN?
- Ông Matthew Dalley: Có nhiều quan điểm khác nhau về suy thoái. Theo định nghĩa cổ điển, nếu GDP đứng số âm trong 6 tháng thì nền kinh tế đó được coi là suy thoái. Căn cứ vào đó, Tổng thống G. Bush và nhiều nhà kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ chưa suy thoái. Tuy tốc độ tăng trưởng của Mỹ có giảm sút nhưng số lượng hàng nhập khẩu không giảm. Hàng xuất khẩu của VN sang Mỹ cũng không giảm. Chính phủ VN đang đi đúng hướng là đặt mục tiêu chống lạm phát lên trên hết và có thể hy sinh tăng trưởng. Các tập đoàn Mỹ muốn có tư duy dài hạn ở VN, không “lướt sóng” tìm cách làm ăn ngắn hạn rồi bỏ đi. VN đang trở thành địa điểm tốt để đầu tư. Tôi tin chắc là hai, ba năm tới sẽ có một nhà đầu tư Mỹ đến ngồi ở đây và tự hào nói rằng Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN.
. Trong năm nay, VN sẽ phê duyệt hai dự án lớn của Mỹ lên tới 14 tỉ USD nên kỳ vọng Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 là có cơ sở. Nhưng cơ chế và hạ tầng ở VN liệu có đáp ứng được?
- VN cần nhiều nỗ lực để giải quyết. Với tình hình hiện tại, mức độ cạnh tranh của VN vẫn còn chưa như mong muốn. Tuy nhiên, Chính phủ VN đang nỗ lực đúng hướng, có Đề án 30 rà soát lại các quy định hành chính liên quan đến đầu tư, tạo cơ hội cho khu vực tư nhân, thuận lợi cho công việc kinh doanh. Không phải chúng tôi đợi cho tất cả sẵn sàng rồi mới nhảy vào kinh doanh mà phải bắt đầu từ bây giờ, nếu gặp vướng mắc thì chúng tôi sẽ gặp cơ quan Chính phủ để trình bày và rất may mắn, các cơ quan VN sẵn sàng giải quyết.
Kiên nhẫn chờ cơ hội làm ăn Ông Stuart Dean, Chủ tịch Tập đoàn General Electric Đông Nam Á kiêm Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh Việt - Mỹ trong Hội đồng Mỹ - ASEAN, cho biết mối quan tâm của doanh nghiệp Mỹ lần này là tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng nhà máy và cơ sở hạ tầng ở VN. Một mặt, tìm kiếm các đối tác sản xuất linh kiện cho tập đoàn, mặt khác muốn chuyển giao công nghệ hàng đầu như tiết kiệm năng lượng, công nghệ thông tin, sản xuất máy bay, năng lượng sạch cho VN. “Chúng tôi không đến đây với những bản hợp đồng có sẵn trong vali để ký mà trong hành trang của chúng tôi là những chiến lược cụ thể để tìm hiểu tốt hơn. Một tập đoàn Mỹ đang tính đến việc mở một nhà máy kính nổi công nghệ cao và họ đang chờ câu trả lời về địa điểm, nguồn năng lượng, giá cả... Chúng tôi đang đàm phán và chỉ chờ Chính phủ chấp thuận. 23 tập đoàn Mỹ đến VN lần này đều có kinh nghiệm làm việc xuyên quốc gia trên nửa thế kỷ. Theo logic, nếu không kiên nhẫn, chúng tôi đã phải ra đi. Nhưng chúng tôi vẫn ở lại và đang phát triển vượt bậc” - ông Stuart Dean nói. |
Bình luận (0)