"Các nhà đầu tư lo ngại tỉ giá tham chiếu có thể phá mốc 7 trong tương lai. Đó sẽ là một tín hiệu rằng cánh cửa giảm giá NDT vẫn còn rộng mở. Tỉ giá tham chiếu trong những ngày tới sẽ gửi đi tín hiệu rất quan trọng về lập trường của PBOC" - chuyên gia kinh tế Tommy Xie thuộc Ngân hàng OCBC (Singapore) nhận định với trang Bloomberg.
Kinh tế của cả Trung Quốc và Mỹ có thể chịu tác động tiêu cực nếu chiến tranh tiền tệ nổ ra giữa hai nước. Trong ảnh: Container hàng hóa tại một cảng ở TP Thượng Hải - Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Kịch bản NDT tiếp tục giảm giá đe dọa thương chiến Mỹ - Trung càng thêm nóng. Chính quyền Tổng thống Donald Trump lâu nay vẫn phản đối sự giảm giá của NDT bởi điều này cho phép sản phẩm Trung Quốc có lợi thế về giá trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ông Rohit Garg, chiến lược gia của Bank of America Merrill Lynch (Mỹ), dự báo NDT có thể giảm xuống mức 1 USD đổi được 7,5 NDT hoặc nhiều hơn nếu ông Trump tăng thuế lên 25% đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Trước đó, ông chủ Nhà Trắng thông báo áp thuế 10% đối với số hàng hóa này từ ngày 1-9. Nếu quyết định này không thay đổi, tỉ giá NDT/USD có thể đạt mức 7,3 NDT/USD vào cuối năm 2019, yếu hơn so với dự báo 6,63 NDT/USD của ngân hàng này trước đó.
Theo đài CNBC, nhiều nhà phân tích cho rằng ông Trump sẽ tăng thuế lên 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu Trung Quốc theo sau sự leo thang căng thẳng thương mại gần đây giữa hai nước. Một động thái như thế, nếu có, càng khiến giới đầu tư thêm bất an và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể ra tay để ngăn chặn các tác động tiêu cực tiềm tàng. Ngoài ra, bà Megan Greene, chuyên gia tại Trường Quản trị Kennedy thuộc Trường ĐH Harvard (Mỹ), cũng dự báo Washington có thể quyết định giảm giá trị đồng USD để trả đũa Bắc Kinh do không còn nhiều lựa chọn khác.
Một cuộc chiến tiền tệ như thế, nếu xảy ra, sẽ gây tác động tiêu cực đến cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo AP, NDT giá trị thấp hơn sẽ khiến doanh nghiệp Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản nợ được định giá bằng USD. Ngoài ra, ở cả hai nước Mỹ và Trung Quốc, đồng nội tệ rẻ hơn thường làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, từ đó đe dọa thúc đẩy lạm phát. Riêng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn nếu muốn mua hàng Trung Quốc.
Cũng theo AP, một khi các công ty khắp thế giới mất lòng tin hoặc thấy bất an về các chính sách thương mại toàn cầu do thương chiến Mỹ - Trung leo thang, họ có khuynh hướng hoãn kế hoạch đầu tư, mở rộng và tuyển dụng. Nếu các xu hướng này lan rộng khắp thế giới, sẽ có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. "Việc Mỹ tìm cách can thiệp để làm suy yếu đồng USD sẽ là một sai lầm khủng khiếp" - ông Sung Won Sohn, nhà kinh tế học tại Trường ĐH Loyola Marymount (Mỹ), cảnh báo.
Bình luận (0)