Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra một số hạn chế trong thu hút FDI ở Việt Nam như hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng của Việt Nam trong những sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài còn thấp. Liên kết giữa các DN FDI và các DN trong nước chưa chặt chẽ, chưa sâu rộng, dẫn đến hạn chế hiệu ứng lan tỏa.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị tham vấn về định hướng và thu hút đầu tư nước ngoài, tổ chức sáng 21-12
Bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng giảm, xung đột thương mại giữa các nước lớn diễn ra ngày càng phức tạp… đã đặt ra những áp lực rất lớn cho Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư. Phó Thủ tướng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra những thời cơ lớn bên cạnh những thách thức, Việt Nam phải nắm được cơ hội để vượt qua khó khăn nếu không muốn bị tụt hậu. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh thu hút FDI là nhiệm vụ quan trọng nhưng phải có chọn lọc, có trọng tâm trên nguyên tắc đa phương hóa, đa dạng hóa nguồn vốn, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý về vai trò của DN FDI trong việc kết nối, hỗ trợ các DN trong nước để thúc đẩy sản xuất, chuyển giao công nghệ. "Việt Nam phải tranh thủ thời gian, cơ hội, tạo sự bứt phá trong thu hút FDI, tạo điều kiện tốt nhất để đón nhận dòng đầu tư mới. Những nhà đầu tư đến với Việt Nam là công dân Việt Nam thì nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong khuôn khổ pháp luật để cùng phát triển" - Phó Thủ tướng nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết thời gian tới, Việt Nam tập trung thu hút các nhà đầu tư có công nghệ cao, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện nhóm 8 giải pháp để việc thu hút FDI đi vào chất thay vì lượng. Trong đó, sớm hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn FDI.
Bình luận (0)