Đỉnh cao của chỉ số, đỉnh cao của thanh khoản, của số tài khoản chứng khoán được mở mới và hàng loạt con số đi theo của thị trường chứng khoán Việt Nam đã được ghi lại trong năm 2021 với dấu ấn đỉnh cao trong lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển. Rõ ràng năm Sửu chứng khoán khỏe như Trâu.
Thị trường chứng khoán năm Tân Sửu liên tục lập những kỷ lục mà không ai có thể ngờ tới. Ảnh: Hoàng Triều
Liên tục phá kỷ lục
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy chỉ trong năm 2021, có 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập. Bởi trong 4 năm trước, toàn thị trường chỉ ghi nhận hơn 1 triệu tài khoản được mở mới. Tính đến hết năm 2021, toàn thị trường có 4,27 triệu tài khoản chứng khoán. Trong đó, đến 99,6% đến từ các nhà đầu tư cá nhân.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đã bứt phá trong năm 2021 dù đại dịch Covid-19 gây tác động rất lớn tới đời sống kinh tế, xã hội. Cùng với việc các chỉ số gia tăng thì vốn hóa thị trường cũng tăng theo lên tới 7.729 ngàn tỉ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP. Đây thực sự là con số kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam sau hơn 20 năm hình thành và phát triển.
Cùng với việc mở mới tài khoản, thanh khoản của thị trường cũng liên tục được đẩy lên kỷ lục mới. Nếu như trong vài năm trước, giao dịch trung bình toàn thị trường chỉ khoảng 3.000 tỉ đồng/phiên thì năm 2021, thanh khoản lần lượt vượt các mốc 20.000 tỉ đồng, 30.000 tỉ đồng, 40.000 tỉ đồng và cao nhất tới hơn 50.000 tỉ đồng, tức hơn 2,5 tỉ USD (bao gồm cả giao dịch thỏa thuận). Đây là con khó khó tưởng của bất cứ ai trên thị trường chứng khoán.
Cũng vì điều này mà VN-Index trong năm đã đủ lực, khỏe mạnh như vốn cầm tinh của con Trâu. Theo đó, sau khi vượt khỏi mốc 1.200 điểm vào 18-3 thì chỉ số này dễ dàng vượt các mốc 1.300 điểm, 1.400 điểm và mới đây nhất là mốc kỷ lục 1.534 điểm trước khi điều chỉnh xuống 1.478 như hiện nay. Nếu lấy mốc cuối năm 2021, VN-Index dừng ở mức 1.498,2 điểm, tăng gần 36% so với đầu năm và thị trường tăng mạnh thứ 7 trên thế giới.
Các chuyên gia lý giải do đại dịch xảy ra, các kênh đầu tư khác bị gián đoạn mà dòng vốn bắt buộc phải tìm đến chứng khoán để sinh lợi. Chưa kể trong lúc này, hoạt động online thuận lợi, việc mở tài khoản, sử dụng internet dễ dàng thì chứng khoán trở thành "vùng trũng" hút tiền. Có một kênh khác là crypto (tiền kỹ thuật số) cũng nở rộ, tuy nhiên do chưa thực sự phổ biến cho đại đa số các nhà đầu tư ở Việt Nam và cũng là kênh chưa được hợp pháp hóa nên nhiều người chưa quan tâm.
Sẽ còn "hung hãn" như Cọp?
Có thể nói sự hưng phấn của thị trường chứng khoán năm qua đã lôi kéo được hàng triệu nhà đầu tư mới hay còn gọi là nhà đầu tư F0 xuất hiện trên thị trường như một hiện tượng. Nhiều người đã nhân đôi, nhân 3 tài khoản chỉ trong vài tháng. Đặc biệt, nhiều người chưa biết gì về chứng khoán cũng đã thắng lớn. Cũng từ đó, các thông tin về thị trường chứng khoán ngày càng phổ biến trong xã hội.
"Tôi chưa biết gì về chứng khoán nhưng đã được người thân hướng dẫn tham gia. Việc đầu tư trực tiếp chính là cách học hỏi tốt nhất thay vì nhờ người khác đầu tư. Tôi thực sự cảm thấy đây là kênh đầu tư thú vị với số tiền nhàn rỗi của mình, tôi có thể gia tăng thu nhập cho gia đình nếu chịu khó quan sát, tìm hiểu và chọn mã chứng khoán để đầu tư. Đừng chạy theo cổ phiếu đầu cơ và không để cảm xúc tham lam dẫn dắt tôi nghĩ không có kênh đầu tư nào hấp dẫn bằng chứng khoán"- bà Phạm Thị Thắm, nhà quận 8, TP HCM, chia sẻ.
Nói về thị trường chứng khoán năm qua, chuyên gia kinh tế, tài chính - TS Lê Quang Minh cho rằng đại dịch dường như không còn là nỗi lo của nhà đầu tư chứng khoán. "Trải qua 2 năm đại dịch, có vẻ tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã vững vàng hơn, tự đề kháng với những thông tin về dịch bệnh, chính vì vậy mà khi có biến chủng mới thì thị trường vẫn không bị hoảng loạn mà vẫn tăng. Năm 2022 chắc chắn sẽ là năm thu hút nhà đầu tư với nhiều yếu tố từ vĩ mô đến vi mô. Đặc biệt là yếu tố dòng tiền sẽ chảy về nơi đầu tư hiệu quả, mà chứng khoán Việt Nam vẫn đang có nhiều yếu tố rất hấp dẫn"- TS Lê Quang Minh nhìn nhận.
Dự báo về năm 2022 - năm Nhâm Dần, các chuyên gia khác cũng cho rằng có có khả năng tăng mạnh hoặc đột biến như năm 2021 nhưng với lượng tài khoản mở mới và tham gia tích cực của nhà đầu tư trong giai đoạn này thì 2022 thị trường chứng khoán vẫn sẽ sôi động.
Đại diện Giám đốc đầy tư Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) thuộc VinaCapital, ông Đinh Đức Minh, đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp đã có sự thích ứng đáng kể sau 2 năm đại dịch, cộng thêm các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều cách khác nhau nên năm 2022, nền kinh tế sẽ hồi phục mạnh, tạo động lực đi lên cho thị trường chứng khoán như "hàn thử biểu" của nền kinh tế.
Bình luận (0)