xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Nắn" dòng vốn vào thị trường chứng khoán (*): Trở về đầu tư giá trị

THÁI PHƯƠNG - SƠN NHUNG - MINH CHIẾN

Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là có nhiều triển vọng, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định thị trường chứng khoán (TTCK) từ nay tới Tết Nguyên đán sẽ khó tăng mạnh sau "dư chấn" vụ bỏ cọc đấu giá "đất vàng" ở Thủ Thiêm (TP HCM) và vụ "bán chui" cổ phiếu của ông chủ FLC. Nhưng về dài hạn, chứng khoán sẽ là kênh huy động vốn của doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, thị trường sẽ quay lại với dòng vốn đầu tư giá trị, chọn lọc cổ phiếu của DN thật sự tốt sau thời gian "đu" theo nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Trong cái rủi có cái may

Sau một tuần điều chỉnh mạnh, ngày 17-1, TTCK tiếp tục rơi thẳng đứng khi nhà đầu tư bán tháo và các công ty chứng khoán bắt đầu bán giải chấp các khoản nợ của nhà đầu tư khiến chỉ số VN-Index của sàn HoSE giảm tới 43,18 điểm (-2,89%), về 1.452,84 điểm trong phiên giao dịch. Trong đó, sàn HoSE có tới 446 mã giảm (bao gồm 128 mã giảm sàn), 18 mã tham chiếu và chỉ 49 mã giữ được sắc xanh. HNX-Index giảm tới 21,52 điểm (-4,61%), xuống 445,34 điểm. Toàn sàn HNX có 50 mã tăng, 204 mã giảm và 33 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,86 điểm (-2,55%), xuống 109,36 điểm.

Tâm lý bi quan bao trùm khi lực bán lan rộng toàn bộ thị trường, nhiều cổ phiếu thị trường mà nhà đầu tư hay giao dịch đều nằm sàn và trắng bên mua. Điểm tích cực ở phiên này là nhóm cổ phiếu cơ bản điều chỉnh khá nhẹ nhàng, nhà đầu tư nước ngoài và khối tự doanh của các công ty chứng khoán mua ròng hàng trăm tỉ đồng.

TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), cho rằng "trong cái rủi tạm gọi là cũng có cái may", vì sau đợt điều chỉnh sâu này, nhà đầu tư sẽ quay lại với những DN có hoạt động kinh doanh ổn định, sau thời gian bám theo cổ phiếu penny (vốn hóa nhỏ), midcap (vốn hóa trung bình). Những cổ phiếu này giá tăng bất chấp mà nhà đầu tư không nhận diện được rủi ro.

Dưới góc độ thị trường chung, TS Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirea Asset, nhận định TTCK năm 2022 vẫn còn nhiều tiềm năng khi dịch Covid-19 được kỳ vọng tiếp tục kiểm soát tốt, tăng trưởng kinh tế được hỗ trợ bởi các gói kích thích kinh tế, đầu tư công. Tín dụng tăng khoảng 13% trong năm nay để tài trợ cho các kế hoạch khôi phục và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới. Mặt bằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại giúp DN khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp…

Theo TS Lê Quang Minh, với mức dự phóng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) tăng trưởng kép giai đoạn 2020-2022 khoảng 29%/năm và mức P/E (hệ số giá trên lợi nhuận của cổ phiếu) khoảng 16 lần, dự phóng VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 13,5% so với mức đóng cửa năm 2021. "Nhà đầu tư cá nhân (chiếm hơn 85% tổng giá trị giao dịch trong năm 2021) sẽ tiếp tục là động lực chính của thị trường trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp.

Số lượng tài khoản mở mới bởi các cá nhân trong nước sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới - một phần nhờ áp dụng định danh điện tử (eKYC), thuận tiện cho việc mở mới tài khoản trực tuyến. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ quay lại nhờ mức định giá tương đối hấp dẫn của thị trường Việt Nam so với các thị trường khác. Hơn nữa, những cải cách nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường sẽ giúp thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn" - TS Lê Quang Minh phân tích.

Nắn dòng vốn vào thị trường chứng khoán (*): Trở về đầu tư giá trị - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch ngày 17-1. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phát triển quỹ mở, giám sát để minh bạch

Tuy nhiên, để TTCK Việt Nam phát triển bền vững và hấp dẫn, trở thành kênh đầu tư lâu dài cũng như kênh huy động vốn của DN, TS Lê Quang Minh đề xuất cần sự liên kết của "4 nhà" gồm nhà nước, công ty chứng khoán (gồm bộ phận môi giới), DN niêm yết và nhà đầu tư. Theo đó, DN cần làm tốt công tác công bố thông tin và có sự giám sát tốt của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, để chủ DN công bố thông tin phải được bảo đảm chất lượng, tăng cường tiệm cận với quy định, quy chuẩn của thế giới. Bởi thời gian qua vẫn còn nhiều DN chây ì công bố hoặc lỗ kết quả kinh doanh mà không thông tin gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Thanh khoản của thị trường ngày càng lớn với những phiên 30.000 - 40.000 tỉ đồng, nếu DN không tuân thủ có thể gây những xáo trộn lớn.

"Ủy ban Chứng khoán nhà nước và những cơ quan có thẩm quyền cần giám sát chặt chẽ hoạt động mua bán của các cổ đông lớn, giám sát việc công bố thông tin của DN để phòng ngừa rủi ro. Ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, chứ không chỉ khi sự việc xảy ra rồi mới xử phạt" - TS Lê Quang Minh nói.

Với các công ty chứng khoán, cần nâng tầm các báo cáo phân tích, khuyến nghị vì những thông tin này rất quan trọng đối với nhà đầu tư, đồng thời quản lý nhân viên tư vấn tốt hơn nhằm tránh hiện tượng hô hào gây bất ổn thị trường. Nhà đầu tư cũng cần nâng tầm hiểu biết, chuyên nghiệp hơn trong đầu tư chứ không chỉ mua theo đội, nhóm không hiểu hoạt động kinh doanh của DN, lắng nghe nhiều chiều trước khi quyết định chọn cổ phiếu.

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cũng nhận định có một thực tế là TTCK Việt Nam phát triển và tăng nhanh trong thời gian gần đây nhưng chưa bền vững. Để được như các quốc gia phát triển, TTCK cần phát triển những quỹ mở với phí quản lý thấp nhất để nhà đầu tư cá nhân tham gia, thay vì để họ trực tiếp mua bán trên sàn như hiện nay rất rủi ro.

Ông Hiển dẫn chứng về một quỹ mở lớn nhất thế giới hiện chiếm khoảng 60% TTCK Mỹ, có tiêu chuẩn nghiêm ngặt, quản lý tiền cho nhà đầu tư cá nhân, đủ thông tin, trách nhiệm. Hoặc các quỹ tương hỗ, những quỹ vốn không phải từ nhà đầu tư cá nhân mà các công ty bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí, quỹ tự nguyện… để nhà đầu tư không đi "đánh đu" chứng khoán.

"Ở Việt Nam, chứng khoán được xem là thị trường sinh lợi cao nên nhà đầu tư thường "chơi" trực tiếp và chuộng cổ phiếu tăng nóng, đầu cơ thay vì quan tâm những DN tốt thật sự. Cũng vì tâm lý muốn làm giàu nhanh mà nhà đầu tư dễ bị cuốn vào những thông tin khuyến nghị, hô hào. Vì vậy, cần nắn dòng vốn vào TTCK để kênh này thật sự trở thành kênh huy động vốn của DN và nền kinh tế, cùng với việc phát triển các quỹ đầu tư bài bản thu hút nhà đầu tư tham gia" - TS Đinh Thế Hiển nói.

Dưới góc độ quản lý, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết thời gian tới, bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, khuyến khích các công ty chứng khoán mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, đa dạng và tăng cường hiệu quả dịch vụ. Thúc đẩy phát triển TTCK phái sinh phù hợp với nhu cầu và mức độ phát triển của thị trường và tập trung triển khai các giải pháp hoàn thiện đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin cho TTCK, bảo đảm thị trường hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, cưỡng chế thực thi để kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro tiềm ẩn trên TTCK, tránh hiện tượng thao túng, làm giá. Theo đó, sẽ tăng cường và triển khai quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của công ty đại chúng, công ty không đại chúng khi huy động vốn; thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của TTCK nhằm phát triển thị trường này theo hướng an toàn, công khai, minh bạch.

Nhà đầu tư có thể khởi kiện

Về vụ ông chủ Tập đoàn FLC "bán chui" cổ phiếu gây chao đảo thị trường và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), nhận định ở Việt Nam, các quy định về mua bán cổ phiếu của cổ đông lớn và lãnh đạo DN vẫn còn nhiều lỗ hổng, những "người trong cuộc" như ông Trịnh Văn Quyết có thể dùng nó để che giấu một số thông tin nội bộ DN đã, đang hoặc sắp xảy ra, từ đó lên kế hoạch giao dịch cổ phiếu cùng thời điểm dự kiến thông tin sẽ xuất hiện...

"Ở nước ngoài, tiền phạt đối với những vi phạm công bố thông tin cao hơn nhiều so với ở Việt Nam, có thể lên đến hàng chục triệu USD. Tại Việt Nam, quy định của luật hiện tại có sự tiệm cận với những quy định được thực thi tại nước ngoài nhưng còn khác biệt về tiền phạt. Vốn hóa của các công ty niêm yết đã cao hơn, do đó mức phạt hành chính tối đa 3 tỉ đồng với tổ chức và 1,5 tỉ đồng với cá nhân là khá nhỏ so với những thiệt hại mà nhà đầu tư phải chịu" - TS Hồ Quốc Tuấn nói và cho rằng với mức phạt còn thấp và trong trường hợp nhà đầu tư vẫn chưa hài lòng với xử lý của cơ quan chức năng, họ có thể xúc tiến khởi kiện. Việt Nam nên cho phép các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại như Mỹ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-1

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo