Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thu ngân sách năm 2008 vượt 23,5%, tương đương 76.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu (ĐB) tỏ ý lo ngại vì vượt thu chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài (tăng giá dầu thô và xuất nhập khẩu). ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) chỉ rõ: Trong tổng thu nội địa 189.000 tỉ đồng, thu từ tiền sử dụng đất, dầu thô chiếm 85.000 tỉ đồng, chứng tỏ ngân sách Nhà nước không ổn định và thu nội địa thấp.
Đáng lo ngại là năm 2009, ngân sách có thể thất thu 36.000 tỉ đồng so với dự kiến, nếu giá dầu thô ở ngưỡng 70 USD/thùng thay vì mức 90 USD như thời điểm dự toán. Thu xuất khẩu cũng sụt đáng kể; thu từ thuế giảm mạnh. ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cho rằng dự kiến thu nội địa năm 2009 khoảng 233.000 tỉ đồng là chưa có cơ sở và không thể đạt được.
Tổng thu ngân sách năm 2009 chỉ bằng năm 2008 đã là thắng lớn. Trước biến động bất thường về giá dầu thô thế giới, Chính phủ cần có ít nhất hai phương án tương ứng với giá dầu khác nhau để kịp ứng phó. Một số ĐB bày tỏ quan điểm không đồng tình với chủ trương tăng thuế nhập khẩu xăng lên mức cao nhất 25% để tăng thu ngân sách như lộ trình dự kiến của Bộ Tài chính, vì như vậy có thể hạn chế khả năng giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Theo nhiều ĐB, nên giảm mức bội chi 4,8% như dự kiến xuống 4,5%.
Dự toán ngân sách năm 2009 dành hơn 10.600 tỉ đồng tiếp sức cho các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp Nhà nước, song không được đa số ĐB đồng tình. Số vốn này nên dành cho an sinh xã hội, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa, để giảm bớt khó khăn cho người dân.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đã chỉ ra 3 hạn chế lớn nhất, gồm: nguồn thu không vững chắc, thu chi mất cân đối, kỷ luật thu chi chưa nghiêm, do các căn bệnh đầu tư dàn trải, thất thu thuế, tham nhũng, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp và giải ngân chậm. Theo ông, nếu khắc phục được các căn bệnh này sẽ tạo được nguồn thu và có tăng thu mới có tiền để chi.
Bình luận (0)