Ngày 8-4, một nhóm nhà đầu tư bị thiệt hại bởi tiền ảo iFan, Pincoin đã kéo đến trụ sở Công ty Modern Tech trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) để yêu cầu xử lý hình sự những cổ đông công ty này vì cho rằng đã lừa đảo 32.000 người, chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng.
Luật sư Võ Đan Mạch (Giám đốc Công ty Luật TAPHALAW, Đoàn Luật sư TP HCM) đã gửi đến Báo Người Lao Động những mánh khóe cũng như vấn đề pháp lý, rủi ro liên quan đến đồng tiền ảo này.
Mồi nhử lòng tham
Luật sư Võ Đan Mạch cho rằng tiền ảo hiện nay không được công nhận về tính pháp lý tại Việt Nam. Do vậy, bất kỳ giao dịch nào có liên quan đến tiền ảo đều là bị cấm trên lãnh thổ nước Việt Nam.
Chính Phủ và Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.
Trong vụ việc của Công ty Modern Tech thì chỉ với hình thức huy động vốn bằng việc phát hành loại tiền kỹ thuật số iFan và Pincoin, ngoài ra thì không có hình thức nào khác. Mặc dù, không có chức năng và điều kiện kinh doanh, công ty này vẫn đưa ra nhiều món lợi nhuận béo bở, hứa hẹn với những nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà hát, rạp chiếu phim. Ngoài ra, những "ông trùm" công ty còn nói sẽ liên kết với Chính phủ để mọi người được mua nhà bên Mỹ và nhập quốc tịch tại Mỹ.
Các nạn nhân tố Modern Tech lừa 15.000 tỉ đồng
Đây là mồi nhử khiến cho người tham gia đầu tư hoa mắt về cơ hội lợi nhuận và bỏ tiền ra mua các loại tiền ảo này mà không hề có bất kỳ sự nghi ngờ nào.
Với những thiệt hại quá lớn như các nạn nhân tố cáo, chắc chắn các đối tượng cầm đầu sẽ bị xử lý những tội danh như lừa đảo hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Hoặc có thể bị xử lý cả 3 tội danh cho từng loại đối tượng nếu hành vi đủ cấu thành tội phạm như quy định của Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo quy định tại Điều 217, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội danh vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có thể bị phạt tiền tối đa đến 5 tỉ đồng, phạt tù tối đa 5 năm tùy vào từng hành vi cụ thể.
Trong trường hợp của Công ty Modern Tech, theo đơn tố cáo thì iFan và Pincoin có hình thức trả hoa hồng nhiều tầng, nhiều cấp theo mô hình bán hàng đa cấp là có cơ sở đủ yếu tố cấu thành tội.
Nhanh chóng hợp tác với công an
Các bên tham gia vào quá trình đầu tư lấy tiền thật đổi tiền ảo không có bất kỳ sự xác lập nào bằng văn bản ký kết cũng như các cam kết, các cơ hội mà công ty đưa ra đều không có văn bản chính thức nào. Nó chỉ xuất phát từ các sự kiện, từ những thông tin truyền miệng hoặc những thông tin không được kiểm chứng từ internet.
Theo vị luật sư này, chỉ cần một người bình thường nếu không vì quá ham lợi nhuận có thể dễ dàng nhận ra cái bẫy phía sau các hình thức huy động của công ty này. Các công ty không được cấp phép trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng do vậy liên quan đến việc huy động tiền và cam kết trả lãi là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo. Các đối tượng này đã lợi dụng vào xu thế về công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo mơ hồ, về lòng tin, lòng tham và tâm lý đám đông để kéo nhà người chơi vào bẫy
Cũng cần nhìn nhận về trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý đã thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu về đồng tiền ảo. Hơn nữa các chương trình hội nghị, hội thảo diễn thuyết diễn ra công khai mà không bị kiểm soát, quản lý. Các thông tin về tiền ảo về lợi nhuận chỉ số tăng giảm, quy đổi rất phổ biến trên mạng internet mà không hề bị kiểm soát, cảnh báo.
Về vấn đề thiệt hại của các nạn nhân có thể nhận lại được hay không thì trong trường hợp họ có bằng chứng về việc giao nhận tiền và xác định rõ mục đích của việc giao nhận tiền và mục đích đó là chưa hoàn thành thì có quyền yêu cầu phía công ty Modern Tech trả lại bằng việc kiện ra tòa đòi lại tiền. Trường hợp họ bị lừa và các cơ quan chức năng vào cuộc thì trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử những bị can đó bị buộc phải trả lại số tiền chiếm đoạt.
Quan trọng nhất là làm sao chứng minh được con số thiệt hại vì các nhà đầu tư khi thanh toán tiền đã không có chứng từ hoặc thông qua nhiều cá nhân trung gian nên rất khó để chứng minh số tiền và mối liên quan giữa số tiền-hành vi chiếm đoạt.
Do vậy, những nạn nhân hãy nhanh chóng liên hệ cơ quan công an để cung cấp bằng chứng cho cơ quan công an để được bảo vệ quyền lợi và tố giác hành vi phạm tội ngăn chặn thiệt hại tiếp tục xảy ra.
Nhiều người đang đi trên dây
Luật sư Võ Đan Mạch cho biết việc huy động tiền đã diễn ra từ nhiều năm nay và pháp luật đã xử lý rất nhiều nhưng người dân không quan tâm dẫn đến rủi ro, thiệt hại rất lớn. Chỉ có những tổ tức tài chính và ngân hàng mới được phép huy động vốn nên người dân cần cẩn thận. Do vậy, khi chính phủ chưa cho phép thì tốt nhất người dân không nên tham gia vào loại hình này vì không được pháp luật công nhận.
Các công ty đứng ra huy động vốn kiểu iFan đều là những người Việt Nam đứng ra tổ chức, không có sự ràng buộc nào về trách nhiệm nên họ sẵn sàng phủ nhận trách nhiệm hoặc không có khả năng khắc phục hậu quả.
Mọi thiệt hại thì người tham gia đầu tư phải gánh chịu, rất khó để đòi lại được tiền nói chi là kiếm được lợi nhuận. Các giao dịch này chỉ phát sinh trên hệ thống thông tin điện tử mà không có gì để kiểm chứng, giám sát.
Khi tham gia những hoạt động liên quan đến tiền ảo thì chính là đang đi trên con đường mà pháp luật chưa cho phép.
Bình luận (0)