Làng nghề bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) lâu nay vốn là nơi sản xuất bánh tráng thơm ngon nhất xứ Quảng. Làng nghề này giờ chỉ còn vài ba hộ tráng bánh nhưng mỗi chiếc bánh làm ra vẫn giữ đúng hương vị nổi tiếng xưa nay. Dịp Tết, những lò tráng bánh ở đây lại ngày đêm đỏ lửa, chăm chút từng li từng tí để cho ra chiếc bánh tráng thơm giòn phục vụ thực khách và gửi sang tận Mỹ.
Nức tiếng xứ Quảng
"Tết đến, bánh tráng là món không thể thiếu trong nhà của người miền Trung. Tuy nhiên, muốn mua được bánh tráng ngon, đúng chất thì phải tìm về Túy Loan. Túy Loan cũng có dăm bảy loại bánh tráng. Trong đó, bánh tráng ăn Tết thì phải được làm riêng" - bà Mai Thị Hai, người làng Túy Loan, hồ hởi khoe khi chúng tôi hỏi về món bánh tráng nức tiếng xứ Quảng.
Bánh tráng do bà Lành làm được đóng gói và gửi sang Mỹ để phục vụ Tết
Ảnh: BÍCH VÂN
Kỹ thuật tráng bánh ở Túy Loan cũng giống như các vùng miền khác ở xứ Quảng: Ngâm gạo, xay bột rồi đưa vào lò tráng, xông hoặc phơi cho bánh khô. "Tráng bánh là việc mà phụ nữ xứ Quảng hầu như ai cũng biết. Chỉ có điều, tráng làm sao cho chiếc bánh khi nướng lên được thơm ngon, giòn tan thì đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ" - bà Đặng Thị Lành (ngụ xã Hòa Nhơn), người có thâm niên gần 50 năm làm nghề, chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Quyền được ông bà truyền nghề làm bánh tráng từ năm 15 tuổi Ảnh: MINH TUẤN
Theo bà Lành, bánh tráng thì nơi nào xứ Quảng cũng làm được nhưng ăn thua ở chỗ nêm nếm gia vị vào bột. Chiếc bánh ngon được gia vị đầy đủ từ tỏi, mắm, muối, bột ngọt, tiêu và mè. Bánh ngày Tết được tráng dày hơn so với ngày thường, đồng thời gia vị tăng thêm một chút để thơm ngon, mặn mà hơn. Khi nướng, bánh sẽ tỏa ra mùi thơm nức và giòn tan khi cho vào miệng.
Theo người dân làm bánh tráng Túy Loan, để cho ra bánh tráng ngày Tết ngon thì công đoạn quan trọng nhất là làm khô bánh. Theo đó, bánh nhất thiết phải được xông thì mới ngon. Đây là khâu tốn nhiều thời gian, công sức nhất. Đầu tiên, phải quạt một mẻ than to sao cho hồng rực lên rồi úp lồng xông bánh lên trên. "Sau đó, phải dùng tay gỡ từng chiếc bánh ra để đặt lên lồng xông. Suốt quá trình xông phải luôn có người canh, liên tục lật bánh lên xuống để chiếc bánh được khô đều cả hai mặt" - bà Lành miêu tả.
Khi đã khô đều, bánh được xếp sang một tấm lưới tre cho nguội hẳn rồi mới đóng gói. "Xông kỹ, bánh khô đều thì mới có thể để lâu được 6 tháng. Nếu không xông kỹ, bánh sẽ lên mốc hoặc khi nướng sẽ có chỗ chín, chỗ không chín, không giòn" - bà Hai lý giải.
Nổi danh Tân An
Ghé thăm làng Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nằm ven sông Gianh những ngày giáp Tết, chúng tôi không khỏi choáng ngợp giữa hàng ngàn vỉ bánh tráng phơi kín dọc các con đường, ngõ hẻm.
Chúng tôi ghé vào nhà bà Võ Thị Điều - một trong những gia đình theo nghề bánh tráng thâm niên ở Tân An. Gần Tết, hàng nhiều nên cả gia đình bà đang rất khẩn trương. "Những ngày thường thì công việc nhàn hạ, chứ vào dịp này thì không có giờ nghỉ ngơi. Ngày thường thì gia đình tôi chỉ làm 5 yến gạo nhưng Tết đến, người ta đặt hàng nhiều lắm, có khi phải làm cả tạ gạo mà vẫn cung cấp không đủ" - bà Điều nói.
Ông Nguyễn Thế Quyền, người làng Tân An, cho biết ông không nhớ nghề bánh tráng ở đây có từ khi nào. Ông chỉ nhớ là lúc mình 15 tuổi đã được các cụ truyền nghề. Theo ông Quyền, người làng Tân An ban đầu chế biến bánh tráng với mục đích khoe khéo tay nghề, trao đổi thực phẩm với xóm giềng. Lâu ngày, tiếng ngon đồn xa nên dần dà, bánh tráng thương hiệu Tân An được nhiều người biết tới tìm mua. Từ đó, làm bánh tráng trở thành nghề và ngày càng phát triển, tạo thu nhập chính cho nhiều gia đình. "Không chỉ trong tỉnh mà hiện tại, bánh tráng Tân An đã có mặt khắp thị trường các tỉnh, thành miền Trung và cả nước bạn Lào, Thái Lan…" - ông Quyền khẳng định.
Nói về bánh tráng quê mình, ông Ngô Trọng Bình, Trưởng thôn Tân An, cho biết chính ông cũng ngỡ ngàng trước sự thăng tiến của làng nghề. "Chuyện nghề bún, nghề bánh tráng ở đây có bước tiến nhảy vọt như bây giờ là điều người Tân An không bao giờ dám nghĩ đến" - ông Bình nói và dẫn chứng cả làng Tân An có 320 hộ nhưng hơn 200 hộ theo nghề làm bánh tráng. "Họ gắn bó với nghề không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì cả thương hiệu của làng nên bánh tráng Tân An mới phát triển như hiện nay" - ông Bình tự hào.
Để phát triển thương hiệu bánh tráng Tân An, tháng 10-2010, bà Phan Thị Cẩm Tú, một người dân trong làng, đã đứng ra thành lập HTX Bánh mè xát Tân An, mục đích là đưa thương hiệu bánh tráng của làng đi xa hơn, tạo được nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân.
Ông Ngô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh, cho biết từ khi HTX bánh tráng ra đời, thu nhập của người làm nghề Tân An ổn định và tăng cao hơn. Hiện nay, trung bình mỗi người làm bánh tráng ở Tân An có thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, vào dịp Tết, mỗi người có thể thu nhập trên dưới 15 triệu đồng.
Kỳ cuối: "Om" chuối, gác cam
"Bay" sang Mỹ ăn Tết
Bánh tráng bà Lành là lò bánh tráng duy nhất ở Túy Loan được UBND huyện Hòa Vang đặt mua để làm quà biếu tặng dịp Tết. Nhiều Việt kiều cũng đặt bánh tráng của bà Lành đưa sang Mỹ ăn Tết.
Đáp ứng nhu cầu của khách, bà Lành đã tráng chiếc bánh nhỏ hơn, đường kính chỉ bằng một nửa so với thông thường, để tiện cho vào bao bì và đưa lên máy bay cho khỏi vỡ. "Tết năm nào cũng có cả trăm khách Việt kiều đặt bánh ở lò của tôi để gửi sang Mỹ. Họ nói bên đó cũng có bánh tráng nhưng không thơm ngon, không đúng chất như bánh bên đây gửi qua" - bà Lành khoe.
Bình luận (0)