Quy luật hằng năm, từ tháng 3 đến tháng 6 là mùa nắng nóng ở miền Nam. Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, trong 3 năm trở lại đây, tiêu thụ điện trên địa bàn trong các tháng 2, 3, 4 liên tục tăng và càng nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của TP càng tăng (xem biểu đồ).
Tổng điện năng tiêu thụ tăng khi vào mùa nắng nóng
Lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt tăng mạnh hơn so với các mục đích khác. Điển hình là trong năm 2019, lượng điện sinh hoạt tháng 3 và 4 tăng 30,69% - 36,43% so với tháng 2. Trong khi đó, lượng điện tiêu thụ ngoài sinh hoạt từ tháng 3 đến tháng 7 chỉ tăng khoảng 6% - 13,6% so với tháng 2. Sự khác biệt này được lý giải là lượng điện sản xuất, công sở hay dịch vụ (ngoài sinh hoạt) thay đổi chủ yếu theo số ngày làm việc trong tháng, trong khi điện tiêu thụ cho sinh hoạt tăng mạnh do nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát mùa nắng nóng.
Nắng nóng nên người dân sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng nên càng tốn điện hơn. Điều này cũng tương tự như đi lên dốc cần nhiều năng lượng hơn đi trên đường bằng.
Năm nay, do dịch Covid-19, học sinh nghỉ học ở nhà ngay trong thời gian nắng nóng, nhiều hộ gia đình có xu hướng dùng nhiều thiết bị làm mát vào ban ngày hơn mọi năm, nên khả năng tiêu thụ điện sẽ tăng mạnh hơn. Vì thế, để tiền điện không tăng quá mức, ảnh hưởng đến chi tiêu của các hộ gia đình, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng, người dân thật sự quan tâm thực hành tiết kiệm điện. Trong đó, bảo đảm sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: "Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu"; tắt thiết bị khi không sử dụng; cài đặt máy lạnh để nhiệt độ phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (chừng 5 độ C).
EVNHCMC cũng khuyến khích khách hàng dùng quạt thay cho máy lạnh khi không quá nóng; không sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện trong giờ cao điểm. Đồng thời áp dụng các giải pháp chi tiết về tiết kiệm điện trên trang web của Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNHCMC để có thêm tư vấn. Đặc biệt, cần tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên để vừa tiết kiệm điện vừa có tác dụng trong việc phòng dịch Covid-19.
Tính toán lắp hệ thống điện mặt trời áp mái
Theo EVNHCMC, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà hiện đang là lựa chọn của nhiều hộ gia đình tại TP HCM. Tính đến hết tháng 1-2020 đã có 5.857 công trình được nối lưới với công suất đạt 75,84 MWp.
Hiện chi phí đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời đã giảm rất nhiều so với vài năm trước đây. Thống kê của EVNHCMC cho thấy các hộ gia đình thường gắn giàn năng lượng mặt trời công suất 3-7 kWp. Cứ mỗi kwp một ngày sản xuất bình quân được 4 – 4,5 kwh điện, khoảng trên 6 năm là hoàn vốn – tính theo giá bán cho điện lực. Trong lúc chờ đợi Chính phủ quyết định giá mua điện mặt trời, ngành điện được phép và đang thực hiện việc nối lưới các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, đồng thời ghi nhận sản lượng phát lên lưới hằng tháng để thanh toán cho nhà đầu tư ngay khi giá mua điện mặt trời được ban hành.
Bình luận (0)