Theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 1.360 ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong khi con số này tại Cà Mau là 2.700 ha. Nguyên nhân tôm chết ngoài chất lượng con giống chưa bảo đảm, ô nhiễm môi trường, phần lớn do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài làm cho độ mặn trong các ao nuôi tăng cao vượt ngưỡng thích nghi của tôm. Đặc biệt, ở một số địa phương có nhiều mô hình nuôi tôm được đánh giá là bền vững như: tôm - lúa, tôm quảng canh, quảng canh cải tiến… cũng bị thiệt hại nặng.
Thiệt hại toàn diện
Những ngày qua, bà Nguyễn Thị Thiệt (ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) phải lội xuống ao mò tôm chết để làm khô. “Nước quá mặn và nóng, tôm sú mới thả nuôi chưa đầy 2 tháng không chịu nổi, chết thối cả ao. Tôm cỡ này bán chẳng ai mua. Xót của, tôi để làm khô ăn dần” - bà Thiệt buồn bã.
Nhiều nông dân ở xã này cũng cho biết nắng nóng, kiệt nguồn nước và độ mặn quá cao, tôm không lột vỏ nên không lớn nổi. “Tôi và một số người đành chấp nhận bỏ lứa tôm này, phơi ao chờ mưa vì tiếp tục chỉ thêm tốn kém tiền mua thức ăn cho tôm và tốn công vô ích. Với điều kiện thời tiết này, có phép mầu tôm mới sống được” - ông Liêu Văn Nhị, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, nói.
Các hộ nuôi tôm bán thâm canh ở Cà Mau cũng rơi vào tình trạng không có đủ nước để bơm vào ao đầm nuôi tôm vì nước các sông rạch cạn kiệt và rất mặn. Ông Tiến - một chủ trang trại nuôi tôm ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau - cho biết nuôi tôm trong điều kiện thời tiết bình thường đã khó, nên thời tiết như hiện nay thì không có hy vọng gì nhiều. Trong khi đó, vốn đầu tư nuôi tôm công nghiệp rất lớn nên tốt nhất là treo ao, chờ trời mưa cho độ mặn giảm xuống mới thả tôm được.
Ông Sơn Thành và hàng trăm hộ nuôi tôm khác ở xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình thả tôm nuôi hơn tháng nay nhưng vẫn không lột xác phát triển được do nắng nóng làm cho độ mặn trong ao tăng cao. “Mô hình lúa - tôm kết hợp hay ở chỗ là vừa tạo môi trường sống cho tôm vừa thu hoạch thêm lúa. Có điều một khi lúa chết thì tôm chắc chắn sẽ chết theo. Những năm qua, tôm cũng có chết lai rai nhưng hiếm khi nào xảy ra tình trạng lúa chết trắng như bây giờ. Chúng tôi thiệt hại toàn diện, không thu hoạch được tôm mà cũng chẳng còn lúa để ăn” - ông Thành rầu rĩ.
Thiếu nguyên liệu xuất khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), trong quý I/2016, giá tôm nguyên liệu có xu hướng ổn định ở mức cao do nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu rất yếu vì điều kiện thời tiết bất lợi. Việt Nam đã phải chi 228 triệu USD nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Trong đó, nguồn cung nguyên liệu thủy sản chủ yếu đến từ Ấn Độ (34,1%), Na Uy (8,1%), Đài Loan (6,8%), Nhật Bản (5,5%) và Hàn Quốc (5,1%). Thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là Thái Lan (tăng 76,6%), tiếp đến là Đài Loan (tăng 30,1%).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL đang rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn lĩnh vực nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản. Lượng tôm thả từ tháng 12-2015 đến tháng 3-2016 chỉ bằng 50% so với cùng kỳ. Đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta và giá tôm đã tăng cao, các sản phẩm thủy sản khác cũng tăng. Do đó, phải tìm các giải pháp để khắc phục, bù đắp những thiệt hại, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Tám, giải pháp cấp bách phải thực hiện là tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường để thông báo kịp thời cho người dân chủ động ứng phó. Chuẩn bị thả giống từ tháng 4 thay vì tháng 6 có mưa vào các ao ươm trước khi nuôi đại trà, tăng cường diện tích tôm lúa và chú trọng nuôi tôm quảng canh vì đang có triển vọng. Năng suất tôm quảng canh hiện khoảng 300 kg/ha, nếu áp dụng tốt biện pháp kỹ thuật, có thế nâng lên 400 kg/ha. Với diện tích nuôi tôm quảng canh hơn 200.000 ha như hiện nay, có thể bù đắp được sản lượng nguyên liệu tôm thiếu hụt. “Về lâu dài, chúng ta càng phải tăng cường các giải pháp về khoa học - công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, tới đây sẽ nghiên cứu các giống tôm, giống cá chịu mặn như tôm thẻ chân trắng, cá tra…; các loại cây trồng trên vùng đất bị xâm nhập mặn mà đang quảng canh để tạo ra môi trường cho tôm quảng canh được nâng cao năng suất hay việc nghiên cứu giống lúa có sức chịu đựng độ mặn trên 5%o” - ông Tám lưu ý.
Nuôi cá lóc, thiệt hại nặng
Tình trạng xâm nhập mặn cũng khiến người nuôi cá lóc ở tỉnh Trà Vinh lâm vào cảnh điêu đứng. Trà Cú là huyện có diện tích nuôi cá lóc nhiều nhất tỉnh Trà Vinh với gần 66 ha mặt nước, tập trung ở các xã Định An, Đại An, Đôn Xuân với sản lượng gần 6.000 tấn cá thương phẩm/năm. Năm nay, những hộ nuôi cá lóc tại địa phương này lâm vào cảnh khốn đốn vì mặn xâm nhập. Ông Thạch Sô Phanh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện, lo lắng: “Tại các xã Hàm Tân, Đại An và Định An, độ mặn tăng cao, cá lóc không chịu được nên bị bệnh hoặc chết với số lượng lớn. Tính đến nay đã có hơn 3 ha diện tích mặt nước nuôi cá lóc của 28 hộ trong huyện bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại hơn 2 tỉ đồng”.
Ngành nông nghiệp huyện Trà Cú cho biết độ mặn lên đến 12%o-13%o là cá lóc ngừng tăng trưởng và bị lở loét toàn thân. Ngoài ra, do mặn tăng cao nên các hộ nuôi không dám bơm nước vào ao. Lâu ngày chất thải của cá, thuốc, thức ăn dư thừa đọng lại trong ao làm cá bị ngộ độc. “Trước khó khăn của nông dân, các ngành chức năng ở địa phương cũng có hỗ trợ kịp thời cho những hộ nuôi cá lóc bị thiệt hại theo Nghị định 49 của Chính phủ. Dự báo từ đây đến hết tháng 5, mặn vẫn còn xâm nhập sâu vào nội đồng nên những ao cá lóc của các hộ đang nuôi sẽ tiếp tục bị thiệt hại” - ông Phanh cảnh báo.
C. Linh ghi
Ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng Thư ký Hội Chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau (CASEP):
Cung không đủ cầu
Mấy tháng gần đây, tình trạng thiếu nguyên liệu liên tục xảy ra ở Cà Mau, địa phương nuôi tôm lớn nhất nước. Nguồn hàng cung ứng chỉ đạt 37%-38% công suất chế biến của nhà máy. Trong số 33 nhà máy chế biến của toàn tỉnh, có 17 cơ sở thiếu nguyên liệu, chiếm gần 50% số nhà máy đang hoạt động. Không chỉ tại Cà Mau mà các tỉnh lân cận cũng chỉ còn lác đác khu vực nuôi trồng. Thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài khiến trên 3.000 ha đất nuôi tôm trái vụ ở Cà Mau mất trắng. Tình hình thiếu nguyên liệu sẽ tiếp tục xảy ra trong một vài tháng tới.
Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu đang tăng nhập hàng trở lại nên hiện cung không đủ cầu. Nhiều doanh nghiệp phải nhập tôm nguyên liệu từ các nước lân cận, thậm chí tổ chức mạng lưới đi vô từng hộ dân để mua nguyên liệu nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến. Mặc dù tình hình xuất khẩu 2 tháng của các doanh nghiệp Cà Mau đạt gần 130 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng vì các năm trước, tỉ lệ xuất khẩu quá thấp.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú:
Công suất nhà máy chỉ đạt 80%-90%
Là nhà máy chế biến và xuất khẩu tôm lớn nhất ở Cà Mau, Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú cũng lâm vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Công suất nhà máy chỉ đạt 80%-90%. Đầu năm nay, giá tôm xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chúng tôi lại gặp khó khăn trong khâu nguyên liệu vì người nuôi tôm đã bị thiệt hại nhiều trong năm 2015 và sang năm nay lại đối diện với thời tiết nắng hạn khắc nghiệt nên diện tích nuôi ngày càng bị thu hẹp. Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu nên tại Minh Phú, tỉ lệ thiếu hụt hằng năm không cao. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chế biến của công ty trong thời gian tới.
D.Nhân ghi
Bình luận (0)