Tại Hội thảo công bố Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - Góc nhìn từ doanh nghiệp diễn ra sáng nay 20-11, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết tỉ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp với đối tác đang giảm dần theo từng năm.
Nếu như năm 2013 có 60% doanh nghiệp sẵn sàng đưa vấn đề tranh chấp ra tòa thì đến năm 2017 con số này giảm xuống còn 36%. Lý giải nguyên nhân thực trạng này, các luật sư cho rằng vấn đề do các các chính sách được đưa ra không toàn diện, mới chỉ là những quy định mang tính định hướng, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện thi hành. Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế giám sát, đánh giá.
Theo VCCI, kết quả khảo sát trên diện rộng cũng cho thấy tình trạng doanh nghiệp giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết nhiều doanh nghiệp không đưa các vụ tranh chấp ra tòa
Ông Đậu Anh Tuấn cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp "ngại" kiện ra tòa là bởi thời gian kéo dài, chi phí cao, tình trạng "chạy án" còn diễn ra phổ biến.
"Trong trường hợp không khởi kiện, các doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp khác trọng tài thương mại, nhờ cán bộ nhà nước tác động, đưa ra báo chí, thậm chí là sử dụng xã hội đen"- ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, những doanh nghiệp đã từng khởi kiện ra tòa cho biết họ sẽ chuyển sang sử dụng các biện pháp nêu trên nhiều hơn so với các doanh nghiệp chưa từng khởi kiện vụ việc nào ra tòa.
Cũng theo báo cáo cùa VCCI, qua khảo sát các doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cải thiện là chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương.
Trong 11 lĩnh vực, hai lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Trong khi đó, các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản doanh nghiệp được xem là không có cải thiện đáng kể.
Đáng lưu ý, về cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo đánh giá của VCCI, mặc dù hầu hết các Bộ đều thực hiện nhiệm vụ này và đều có những con số về tỷ lệ cắt giảm nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ.
Từ góc độ của doanh nghiệp, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra PCI 2017, vẫn có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.
Bình luận (0)