Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế hơn 3.000 tỉ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ và đạt 51,5% kế hoạch của năm. NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đạt 3.016 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với cùng kỳ. Nhiều NH cổ phần quy mô nhỏ hơn cũng liên tục báo lãi và vượt kế hoạch lợi nhuận trong nửa đầu năm 2015.
Một số ngân hàng lãi "kịch trần"
Tiên Phong (TPBank) là NH thương mại đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận 6 tháng đạt hơn 342 tỉ đồng, vượt 112% kế hoạch và đạt 55% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong 3 năm tái cơ cấu với sự tham gia của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, TPBank đã bù đắp toàn bộ số lỗ lũy kế trong quá khứ, có lợi nhuận thực dương sớm hơn 1 năm so với dự kiến.
Ông Võ Văn Châu, Tổng Giám đốc NH TMCP Kiên Long, cho biết dù phải áp dụng các chính sách miễn giảm lãi vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng và tăng cường trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu nhưng nửa đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của NH đạt gần 160 tỉ đồng. Dù không công bố mức lợi nhuận cụ thể nhưng theo NH TMCP Bản Việt, các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng tốt trong 6 tháng qua, tổng tài sản gần 28.000 tỉ đồng, dư nợ cho vay hơn 13.300 tỉ đồng và đạt 79% kế hoạch cả năm.
Yếu tố góp phần giúp các NH thương mại đạt lợi nhuận cao là nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh. Nếu cùng kỳ năm ngoái, bất chấp lãi suất cho vay giảm mạnh và ở mức khá thấp nhưng các NH rất khó cho vay do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế và doanh nghiệp còn yếu.
Nay, chỉ tính đến giữa tháng 6-2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 6,09%, trong khi mức tăng cùng kỳ 2014 chỉ 3,72%. Mức tăng trưởng tín dụng tại một số NH đã “kịch trần” nên NH Nhà nước vừa phải điều chỉnh chỉ tiêu, trong đó có NH được điều chỉnh lên mức cao nhất tới 35%.
Chạy nước rút kéo nợ xấu
Trên thực tế, nhiều NH kinh doanh khá hiệu quả, lợi nhuận cao nhưng do phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nên lãi không còn nhiều. Ông Phạm Hữu Phú, Tổng Giám đốc NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho biết trong nửa đầu năm, trung bình mỗi tháng lợi nhuận NH đạt được lên tới 260 tỉ đồng nhưng cộng dồn 6 tháng, lợi nhuận chỉ còn 570 tỉ đồng do phải trích lập dự phòng rủi ro.
Năm ngoái, lợi nhuận của Eximbank lên tới 1.930 tỉ đồng nhưng do phải bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 4.000 tỉ đồng và tiếp tục trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã bán thêm 630 tỉ đồng, lợi nhuận sau cùng chỉ còn 69 tỉ đồng.
Tại NH TMCP Đông Á, lợi nhuận năm 2014 sau trích lập dự phòng rủi ro chỉ còn 35 tỉ đồng dù mức lợi nhuận trước thuế đạt 602 tỉ đồng. Trong năm nay, NH này cần xử lý tiếp 1.947 tỉ đồng nợ xấu. Với Vietcombank, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT, đánh giá chất lượng tín dụng rất đáng lo ngại và chưa bao giờ phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu ở mức cao như hiện nay. Dù làm ăn có lãi cao nhưng trong nửa đầu năm, Vietcombank đã phải bán cho VAMC 1.018 tỉ đồng nợ xấu và dự kiến trong năm 2016 tiếp tục bán thêm 1.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NH Nhà nước phía Nam, cho biết Quốc hội đề ra chỉ tiêu là đến cuối năm 2015, phải đưa tỉ lệ nợ xấu về dưới 3% nhưng ngành NH đã chủ động lùi mốc này về ngày 30-9. Hiện các NH đang tích cực áp dụng biện pháp xử lý nợ xấu bởi nếu không đạt chỉ tiêu, NH thương mại sẽ bị xem xét nhiều chỉ tiêu hoạt động khác từ cơ quan quản lý.
Thống kê của cơ quan thanh tra giám sát NH cho thấy chỉ 20% khách hàng trả được nợ qua biện pháp thu hồi; 40% NH xử lý nợ xấu từ việc trích lập dự phòng và chưa đến 5% nợ được thu hồi qua kênh tòa án, tố tụng. “Do đó, biện pháp chính lúc này là trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC nên khiến lợi nhuận của nhiều NH bị ảnh hưởng mạnh” - ông Dũng nhìn nhận.
Gánh nặng sau sáp nhập
Việc NH TMCP Phương Nam sáp nhập vào NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãnh đạo Sacombank cho biết sẽ gặp một số khó khăn về vấn đề tài chính phát sinh từ Phương Nam, đặc biệt là lợi nhuận sẽ giảm trong ngắn hạn và tỉ lệ nợ xấu có thể tăng. Nợ xấu của Sacombank hiện chỉ 1,5% trên tổng dư nợ cho vay nhưng con số này ở Phương Nam lên tới 5,92% tính đến cuối năm 2014. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 3 năm sau sáp nhập được Sacombank dự kiến sẽ tăng từ 1.800 tỉ đồng năm 2015 lên tới 5.208 tỉ đồng vào năm 2017.
Bình luận (0)