xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngân hàng khó trì hoãn lên sàn

THÁI PHƯƠNG

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, hạn chót là đến năm 2020, tất cả ngân hàng thương mại buộc phải niêm yết lên sàn chứng khoán

Mỗi mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ), một trong những vấn đề cổ đông quan tâm và đặt ra là "bao giờ ngân hàng (NH) lên sàn?", tức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Bởi lẽ, khi NH lên sàn sẽ tạo thêm cơ hội, tăng thêm quyền lựa chọn cho nhà đầu tư và cổ đông, việc mua bán cổ phiếu cũng thuận lợi hơn. Việc này còn buộc các NH phải minh bạch hơn trong quản trị và thực thi những quy định để bảo đảm an toàn hệ thống. Tuy nhiên, các NH đã rất nhiều lần lỡ hẹn khiến cổ đông và nhà đầu tư thất vọng.

Lên kế hoạch rồi hoãn

Đầu năm 2018, khi thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, VN-Index vượt đỉnh 11 năm, nhiều NH thương mại đã hồ hởi lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Thế nhưng, cuối cùng chỉ 3 NH thực hiện thành công là Techcombank, HDBank và TPBank.

Ngân hàng khó trì hoãn lên sàn - Ảnh 1.

Những ngân hàng bỏ lỡ việc lên sàn năm 2018 sẽ khởi động lại kế hoạch này trong năm nay Ảnh: TẤN THẠNH

Ngân hàng khó trì hoãn lên sàn - Ảnh 2.
Ngân hàng khó trì hoãn lên sàn - Ảnh 3.

Khá đáng tiếc cho NH TMCP Phương Đông (OCB) khi đặt kế hoạch niêm yết trên sàn TP HCM (HoSE) trong quý cuối 2018 nhưng gặp lúc thị trường chao đảo nên việc này đến nay vẫn chưa thực hiện.

Ngân hàng Nam Á (NamABank) cũng đã trình ĐHCĐ thông qua việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Tháng 10-2018, NH thông báo tạm dừng thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu, chốt danh sách cổ đông để hoàn tất thủ tục lên sàn nhưng đến nay vẫn chưa xong. Tương tự, NH TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã thông qua việc lên sàn UPCoM, nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng, đăng ký mã cổ phiếu là VBB nhưng sau đó bỏ dở giữa chừng.

Theo các chuyên gia, sắp tới, các NH sẽ khó trì hoãn việc lên sàn sau khi cơ quan quản lý đã ban hành hàng loạt quy định "đốc thúc", cũng như trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường chứng khoán đều đang tăng trưởng tốt.

Theo đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 vừa được phê duyệt cuối tháng 2-2019, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với NH Nhà nước thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các NH TMCP theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ NH thương mại phải niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.

Trước đó, Chiến lược phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng phê duyệt giữa năm ngoái cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NH thương mại trên thị trường chứng khoán (HoSE hoặc HNX) vào năm 2020. Ngoài ra, NH Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán cũng không ít lần có công văn hối thúc, nhắc nhở lộ trình phải lên sàn của các NH TMCP.

Khởi động lại kế hoạch

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước áp lực của thị trường và cơ quan quản lý, mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều NH sẽ khởi động lại kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán như NamABank, ABBank, VietBank, MSB... Một số NH khác sẽ chuyển từ niêm yết trên UPCoM sang HoSE như VIB, LienVietPostBank....

Tại ĐHCĐ của NamABank vừa diễn ra, ông Trần Ngọc Tâm, tổng giám đốc NH, khẳng định chắc chắn sẽ niêm yết cổ phiếu trên HoSE để thu hút thêm vốn ngoại nhằm tăng vốn điều lệ và nâng cao năng lực tài chính.

Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng Giám đốc VietBank, cũng tiết lộ kế hoạch khởi động lại việc lên sàn UPCoM trong năm nay và chuyển niêm yết sang HoSE vào năm sau nhằm tăng tính đại chúng cho NH và việc mua bán cổ phần, cổ phiếu của NH thuận lợi hơn. Riêng OCB, lãnh đạo NH này cho biết đang chờ thời điểm thích hợp để lên sàn chứ chưa có kế hoạch cụ thể.

Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh nhận xét so với năm 2017 và đầu năm 2018, việc các doanh nghiệp, NH lên sàn thời điểm này không hẳn tốt. Bởi lẽ, cổ phiếu NH đang trong xu hướng giảm nên không quá hấp dẫn nhà đầu tư. Thế nhưng, nếu nhìn ở góc độ xa hơn, NH là ngành trụ cột, dẫn vốn cho nền kinh tế thì việc các cổ phiếu NH lên sàn là cần thiết cho thị trường chứng khoán, doanh nghiệp và cả nhà đầu tư. Quan trọng hơn, quy định bắt buộc lên sàn của cơ quan quản lý là cần thiết, bởi nếu để các NH tự chọn lựa thời điểm lên sàn với lý do "chưa phù hợp" là rất khó.

TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết ở nước ngoài, các doanh nghiệp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) xong đều tiến hành niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán. Nhưng ở Việt Nam, một số công ty, doanh nghiệp đại chúng lại chần chừ hoặc không mặn mà lên sàn vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố né minh bạch. Chẳng hạn, ở một vài NH liên quan đến cổ phần của những người sở hữu, cơ cấu sở hữu chéo…, khi lên sàn buộc phải đăng ký lưu ký, xác minh theo quy định, yêu cầu công khai, minh bạch.

"Thủ tục, hồ sơ niêm yết không khó, không vướng nhưng quan trọng là sở hữu cổ phần giữa các cổ đông lớn chưa rõ ràng, chưa chuẩn bị cho vấn đề minh bạch… Trong khi đó, đã là công ty đại chúng có nhiều cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ, việc phải niêm yết lên sàn sẽ tạo áp lực cho NH thương mại điều hành, hoạt động tốt hơn" - TS Lê Đạt Chí nhận xét.

Theo một số chuyên gia, NH niêm yết trên sàn sẽ giúp huy động vốn từ cổ đông đại chúng, nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hơn, từ đó thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm đối tác chiến lược, nhất là đối tác chiến lược nước ngoài. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo