Tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết hội nghị triển khai các giải pháp cụ thể, phối hợp tính toán thiệt hại để có phương án tín dụng phù hợp, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, vừa được tổ chức ngày 6-2.
Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo nhanh tình hình thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo đó, thanh khoản của các ngân hàng thương mại được bảo đảm, các hoạt động của ngành ngân hàng diễn ra bình thường.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ triển khai các giải pháp trong thời gian tới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch nCoV gây ra. Đại diện các ngân hàng thương mại thông tin về những lĩnh vực dự kiến có thể bị ảnh hưởng và đề xuất các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định dịch bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, logistic, xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp…, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động cho vay, trả nợ ngân hàng.
Do đó, các đơn vị trong toàn ngành ngân hàng cần chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Các biện pháp gồm: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễm giảm lãi vay…
Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có cơ chế hỗ trợ đối tượng vay vốn bị tác động bởi dịch nCoV. Ảnh: Văn Duẫn
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá 2 tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này. Trong đó, bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và việc phân loại, xử lý nợ xấu.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng có Văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV.
Về phía các ngân hàng thương mại, đến nay, VPBank đã công bố giảm lãi vay tối đa 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm (vay tín chấp) và giảm 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng và tác động của dịch…
Đối với khách hàng cá nhân, cuối ngày 6-2, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) công bố sẽ giảm lãi suất cho vay tới 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây: Thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank trong thời gian qua. Thời gian áp dụng giảm lãi suất là từ ngày 1-2 đến 30-4. Khách hàng sẽ được hỗ trợ giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn… giúp khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bình luận (0)