Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa ra mắt dòng thẻ tín dụng VIB Zero Interest Rate, miễn lãi trọn đời cho mọi giao dịch chi tiêu thẻ. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, chính sách miễn lãi được áp dụng dài hạn suốt thời gian hiệu lực 5 năm của thẻ tín dụng, thay vì chỉ từ 45-60 ngày như các loại thẻ tín dụng khác; không tốn phí xử lý giao dịch trong 3 tháng đầu kể từ ngày kích hoạt thẻ.
Với chủ thẻ ATM, VIB cũng vừa triển khai chương trình miễn toàn bộ phí rút tiền ATM và phí chuyển tiền. Đối với khách hàng mới, VIB miễn phí vô điều kiện suốt 6 tháng đầu tiên đối với phí chuyển tiền online và phí rút tiền ATM trên 17.000 ATM toàn quốc cả nội và ngoại mạng. Các tài khoản thanh toán VIB hiện hữu có thời gian hoạt động chưa đủ 6 tháng cũng được miễn phí.
Điều kiện để được hưởng dịch vụ miễn phí rút tiền ATM, phí chuyển tiền và phí rút tiền tại quầy với khách hàng hiện hữu đã mở tài khoản trên 6 tháng là số dư tài khoản thanh toán bình quân trong 6 tháng gần nhất đạt từ 5 triệu đồng trở lên. Các giao dịch rút tiền và chuyển tiền được miễn phí là giao dịch nội địa, không bao gồm giao dịch quốc tế.
Xu hướng giảm phí dịch vụ đang được nhiều ngân hàng áp dụng. Ảnh: Linh Anh
Techcombank cũng là một trong những ngân hàng áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ về 0 đồng thời gian qua. Techcombank đã triển khai chương trình E-banking 0 đồng (miễn phí toàn bộ các giao dịch qua kênh điện tử) cho khách hàng cá nhân.
Một số ngân hàng thương mại cũng áp dụng chính sách miễn giảm các loại phí giao dịch cho khách hàng. MSB có gói tài khoản M1, khách hàng sẽ được miễn các khoản phí như phí thường niên, phí phát hành thẻ tín dụng, phí rút tiền cùng thành phố, phí chuyển tiền nội bộ…
Từ cuối năm ngoái, Eximbank cũng áp dụng mức phí mới cho khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử. Cụ thể, khách hàng được miễn phí hoàn toàn khi đăng ký gói truy vấn dịch vụ Internet Banking, sử dụng gói giao dịch trên Internet Banking và Mobile Banking sẽ được miễn phí tháng đầu tiên và sau đó phí 5.000 đồng/tháng giảm một nửa so với trước; miễn phí chuyển khoản ngân hàng điện tử cùng hệ thống…
Xu hướng giảm phí của một số ngân hàng gần đây được cho là khá bất ngờ so với những đề xuất tăng phí rút tiền giao dịch qua ATM hoặc tăng các loại phí dịch vụ trước đó. Báo cáo Giám sát tài chính cá nhân quý IV-2018 của Nielsen cho thấy những yếu tố khách hàng quan tâm nhất với dịch vụ ngân hàng là tính thuận tiện, mức dễ dàng, độ nhanh chóng và phí giao dịch.
Trên thực tế, dù miễn phí dịch vụ nhưng ngân hàng lại "được" nhiều thứ khác. Đơn cử tại Techcombank, trong năm 2018, số dư tiền gửi không kỳ hạn được ngân hàng tập trung thúc đẩy thông qua việc triển khai các chương trình như "Zere Fee" cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, hoàn tiền 1% không giới hạn cho thẻ ghi nợ… Nhờ đó, tỉ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng huy động vốn của Techcombank đã tăng lên 28% trong năm ngoái, giúp ngân hàng có được nguồn vốn huy động với chi phí thấp; số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến của Techcombank cũng tăng gấp đôi trong năm ngoái.
Vậy những ngân hàng khác có tham gia vào cuộc đua phí dịch vụ 0 đồng? Đại diện một ngân hàng thương mại nhà nước cho biết ngân hàng ông không tham gia vào "cuộc đua" giảm phí dịch vụ về mức 0 đồng, bởi điều kiện để được hưởng mức phí này là câu chuyện khác, như phải duy trì số dư tài khoản thanh toán một khoản nhất định, sử dụng nhiều dịch vụ khác…
"Nhưng chúng tôi sẽ rà soát và điều chỉnh một số khoản phí dịch vụ trong thời gian tới để phục vụ khách hàng tốt hơn" – vị đại diện này nói.
Nhìn ở góc độ thị trường, một số chuyên gia kinh tế nhận xét câu chuyện cạnh tranh về phí dịch vụ theo hướng giảm sẽ mang lại lợi ích cho cả khách hàng và ngân hàng. Ngân hàng có thêm khách hàng, phân tích "khẩu vị" khi khách hàng dùng thẻ tín dụng, thẻ ATM và các dịch vụ ngân hàng; đổi lại khách hàng cũng được hưởng lợi nhờ phí dịch vụ rẻ hơn từ đó thúc đẩy các kênh thanh toán không dùng tiền mặt.
Bình luận (0)