Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành 2 thông tư liên tiếp liên quan đến tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, sẽ có hiệu lực từ ngày 5-7-2019.
Theo đó, tại Thông tư số 48/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm, Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định cụ thể về hình thức tiền gửi tiết kiệm, thẻ tiết kiệm, địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm, lãi suất, biện pháp chi trả gốc và lãi...
Hiện một số ngân hàng triển khai giải pháp tra cứu thông tin thẻ tiết kiệm trên website. Ảnh: Linh Anh
Đáng lưu ý, thông tư yêu cầu tổ chức tín dụng phải cung cấp biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm của mình. Ngân hàng thương mại và người gửi tiền được thoả thuận về các biện pháp để người gửi tra cứu khoản, cách thức ngân hàng thông báo cho khách hàng khi có thay đổi đối với khoản tiền gửi...
Trong khi đó, Thông tư 49/2019 quy định về tiền gửi có kỳ hạn để hướng dẫn hoạt động nhận tiền gửi có kỳ hạn quy định tại Luật tổ chức tín dụng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng.
Đối tượng được gửi tiền gửi có kỳ hạn bao gồm cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam thời hạn từ 6 tháng trở lên; tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam; cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Thông tư quy định cụ thể về thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn, lãi suất gửi, chi trả trước hạn tiền gửi có thời hạn, thực hiện nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn bằng phương pháp điện tử, xử lý các trường hợp rủi ro…
Về xử lý các trường hợp rủi ro, cả 2 thông tư đều quy định tổ chức tín dụng hướng dẫn xử lý đối với trường hợp nhàu nát, rách, mất tiền gửi có kỳ hạn và trường hợp rủi ro khác theo hướng bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Trên thực tế, sau một số vụ mất tiền gửi tiết kiệm trong tài khoản, sổ tiết kiệm của khách hàng, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai giải pháp tra cứu tài khoản tiền gửi tiết kiệm trực tuyến cho khách hàng thông qua website, ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking, kiểm tra qua số điện thoại tổng đài.
Bình luận (0)