Đây là một trong những nội dung tại tại Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình cụ thể. Từ ngày 1-1-2020 đến hết ngày 30-9-2020 tỉ lệ này ở mức 40%, sau đó giảm theo lộ trình qua từng năm xuống còn 37%; 34% và mức 30% bắt đầu từ 1-10-2022.
Như định hướng đã được đưa ra từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạn chế cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có bất động sản. Việc siết tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ có tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp bất động sản do đặc thù dự án ở lĩnh vực này chủ yếu vay vốn dài hạn.
Vốn vào bất động sản tiếp tục bị siết. Ảnh: Linh Anh
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng nhiều lần kiến nghị giãn lộ trình siết tín dụng bất động sản nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn trung dài hạn. HoREA cho rằng việc tiếp tục siết vốn ngân hàng vào bất động sản sẽ tạo áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp, buộc chủ đầu tư dự án bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế dần một phần vốn tín dụng.
Theo ghi nhận, hiện một số ngân hàng thương mại đã không còn cho doanh nghiệp vay đầu tư dự án bất động sản mà chỉ cho vay với khách hàng mua nhà để ở, kinh doanh hoặc sửa chữa nhà. Lãi suất cho vay lĩnh vực này cũng cao hơn đáng kể so với các lĩnh vực khác.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước thống kê đến hết quý III, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,4% so với cuối năm ngoái. Đáng lưu ý, thống kê cụ thể từng phân khúc tín dụng cho thấy đến tháng 8, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng tới 14,58% so với cuối năm ngoái và chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương khoảng 1,48 triệu tỉ đồng.
Bình luận (0)