xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngân hàng sẽ ngày càng đại chúng

THÁI PHƯƠNG

Nhờ sự minh bạch của ngành ngân hàng ngày càng được cải thiện nên trước nhiều sự cố, người dân vẫn tin tưởng và không đồng loạt rút tiền

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh dẫn ra những “cái được” của ngành NH trong năm 2015, như: điều hành chính sách tiền tệ khá linh hoạt theo diễn biến thị trường, lãi suất giảm và tỉ giá được kiểm soát… Dù vậy, ngành NH còn phải nỗ lực nhiều hơn trong năm 2016, dự báo sẽ có nhiều biến động trên thị trường tài chính quốc tế, tạo sức ép lên tỉ giá và lãi suất.

Tiếp tục mạnh tay với sở hữu chéo

Ông Nguyễn Phước Thanh cho biết năm 2016, các NH thương mại sẽ phải quyết liệt nâng cao năng lực tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, nhất là tăng cường quản trị rủi ro và áp dụng công nghệ mới… NHNN kiên quyết giảm tình trạng sở hữu chéo và giảm bớt sở hữu của cổ đông lớn để NH thương mại thật sự là của đại chúng.

Ngành ngân hàng làm ăn khấm khá hơn trong năm 2015 Ảnh: TẤN THẠNH
Ngành ngân hàng làm ăn khấm khá hơn trong năm 2015 Ảnh: TẤN THẠNH

“Giảm sở hữu chéo là vấn đề sống còn để lành mạnh thêm hệ thống. NH là của đại chúng, chứ không của một nhóm cổ đông. NH nào minh bạch thì sống, lợi ích nhóm thì chết và sẽ chết” - ông Thanh nhấn mạnh.

Quá trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cũng được lãnh đạo NHNN yêu cầu làm quyết liệt. Việc sáp nhập những NH yếu kém sẽ được tiến hành bởi theo yêu cầu của thống đốc NHNN, đến năm 2017-2018, cả hệ thống chỉ còn 15-17 NH thương mại. Muốn đạt mục tiêu này, phải đẩy mạnh việc mua bán, sáp nhập.

Lúc đầu, ưu tiên cho những tổ chức tín dụng tự nguyện, sau đó NHNN sẽ can thiệp trực tiếp nhằm tạo sự ổn định hợp lý cho thị trường, kể cả việc cho phá sản những tổ chức tín dụng ít ảnh hưởng đến hệ thống, trước mắt là một số quỹ tín dụng, công ty tài chính để thị trường và người dân quen dần với việc này.

Trong năm 2015, ngành NH cũng đã có hành động mạnh mẽ khi mua lại 0 đồng những NH yếu kém, không có phương án tái cơ cấu khả thi hoặc không thực hiện thành công phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt. So với 5 năm trước, toàn hệ thống đã giảm 19 tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài yếu kém.

Một trong các vấn đề được thị trường quan tâm những ngày gần đây nhất là nhiều NH tăng lãi suất tiền gửi. Bởi lẽ trước đó, Chính phủ kỳ vọng năm nay, ngành NH có thể giảm thêm lãi suất cho vay trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Báo cáo triển vọng 2016 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới đây cũng nhìn nhận mặt bằng lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng khi cầu tín dụng của nền kinh tế tăng, lạm phát kỳ vọng ở mức 2,5%, cao hơn nhiều so với năm trước. Động thái tăng dần lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ tiền đồng… Dù vậy, lãi suất huy động chịu áp lực tăng nhưng không lớn do tăng trưởng tín dụng vẫn được kiểm soát.

Mới đây, việc thay đổi chính sách điều chỉnh tỉ giá của NHNN cũng được các chuyên gia kinh tế và giới phân tích đánh giá cao, giúp giảm áp lực lên lãi suất.

Lợi nhuận cao, tích lũy ít

Đầu năm 2016, hàng loạt NH thương mại đã công bố lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2015 khi tín dụng tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Cả 3 “ông lớn” gồm NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đều đạt mức lợi nhuận tăng trưởng 2 con số. Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 6.655 tỉ đồng, tăng 17,2% so với năm trước; BIDV đạt 7.036 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16% so với năm trước và dẫn đầu ngành phải kể đến là VietinBank với 7.360 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế.

Ở khối các NH cổ phần, NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cũng vừa báo lãi trước thuế 836 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động đều cao hơn mặt bằng chung của hệ thống. Tổng Giám đốc NH TMCP Kiên Long Võ Văn Châu cho biết kết quả kinh doanh năm 2015 của NH này khả quan với lợi nhuận trước thuế hơn 216 tỉ đồng, nợ xấu được kiểm soát dưới 2,5%...

Một trong những lý do giúp lợi nhuận của các NH tăng mạnh so với năm trước là nhờ tín dụng, nhất là phân khúc bán lẻ, cho vay khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, nhiều NH thương mại đang dịch chuyển theo hướng tập trung vào dịch vụ thay vì quá chú trọng tìm kiếm lợi nhuận từ tín dụng như trước.

Đại diện Vietcombank cho biết có được lợi nhuận cao nhờ tích cực xử lý nợ xấu. Các chi nhánh có nợ xấu trên 3% thường xuyên được rà soát, đánh giá lại thực trạng tín dụng, phân loại khách hàng theo nhóm để có biện pháp cụ thể.

Dù nợ xấu cả hệ thống NH đã về dưới 3% nhưng khoản nợ này vẫn được đánh giá sẽ ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của các NH trong năm 2016. Theo ông Nguyễn Phước Thanh, xử lý nợ xấu chủ yếu bằng cách trích lập dự phòng rủi ro từ lợi nhuận nên nhiều NH không có tích lũy.

 

Theo NHNN, 5 năm qua, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ mức 20%-25%/năm xuống còn 6%-11%/năm và thấp hơn giai đoạn 2005-2006, thời kỳ kinh tế phát triển ổn định.

 

Bội chi ngân sách ảnh hưởng đến lãi suất

Một lãnh đạo NHNN cho biết thông thường, vốn cho nền kinh tế qua 2 kênh là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Thời gian qua, kênh từ chính sách tài khóa không hiệu quả, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa như kỳ vọng. Do đó, gánh nặng về vốn cho nền kinh tế từ hệ thống NH là chính nên áp lực rất lớn. Chưa kể, ngoài việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, NH còn mua trái phiếu Chính phủ rất lớn.

“Trong khoảng 700.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ được bán ra những năm qua, 85% là các NH thương mại mua. Đây là vấn đề không đơn giản, nhất là mua với kỳ hạn dài nên việc cân đối vốn của các NH rất khó khăn” - ông Nguyễn Phước Thanh nhìn nhận.

Số liệu từ VCBS cũng cho thấy trong năm 2015, gần 250.000 tỉ đồng trái phiếu đã được huy động, tăng 3,7% so với năm trước. Riêng trái phiếu Chính phủ chiếm gần 200.000 tỉ đồng.

Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất huy động tăng những ngày qua và các NH thương mại tung ra chương trình khuyến mãi để hút tiền gửi chỉ là phần ngọn. Gốc của câu chuyện này là khi ngân sách bội chi, nợ công cao nên phải phát hành trái phiếu Chính phủ. Muốn bán được thì lãi suất trái phiếu phải tốt.

“Trái phiếu ngắn hạn 1 năm hiện trên 5%/năm lại không có rủi ro. Từ đó, NH muốn huy động được vốn thì phải trả lãi suất cao hơn. Khi ngân sách không còn bội chi, giảm được nợ công và không phát hành trái phiếu Chính phủ quá nhiều thì lãi suất mới có cơ hội giảm mạnh hơn” - ông Hiếu phân tích.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo