Theo số liệu công bố của Cơ quan thanh tra giám sát (NHNN), năm 2011, gần 50% tổ chức tín dụng có lợi nhuận giảm so với năm 2010, trong đó hơn 10% tổ chức tín dụng thua lỗ. Theo cơ quan này, mức lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại chỉ ở mức trung bình và thấp hơn năm trước.
Cụ thể, lợi nhuận năm 2011 của hệ thống ngân hàng thương mại tăng 15,1% so với năm 2010, trong khi tốc độ tăng vốn chủ sở hữu là 22,85% và tốc độ tăng quy mô tài sản là 18,55%. Chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của ngành ngân hàng chỉ đạt 1,09%, thấp hơn mức 1,29% của năm 2010 và chỉ đứng 6/10 trong việc so sánh với 10 ngành khác trong nước.
Chỉ số lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2011 của hệ thống ngân hàng thương mại cũng chỉ đạt 11,86% (thấp hơn con số 14,56% năm 2010). Hơn nữa, số lợi nhuận chủ yếu chỉ ở một số ngân hàng lớn, còn nhiều ngân hàng nhỏ có lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ.
Cũng theo phân tích của Cơ quan thanh tra giám sát, số liệu lợi nhuận của các tổ chức tín dụng tại thời điểm ngày 31/12/2011 chưa phản ánh đầy đủ các chi phí, đặc biệt là chưa thể hiện đầy đủ số dự phòng rủi ro phải thực hiện trong cả năm.
Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, chi phí này tăng lên đáng kể. Hơn nữa, lợi nhuận của ngân hàng cũng không phải chỉ thu được từ tín dụng, mà còn từ nhiều nguồn khác, như dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thẻ thanh toán các loại, kinh doanh ngoại hối...
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, số liệu nộp thuế năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 của 71 ngân hàng thương mại cho thấy, thu nhập của ngành ngân hàng đang tăng mạnh, chủ yếu là từ hoạt động cho vay. Lợi nhuận sau khi trích lập dự phòng rủi ro tăng tới 30%.
Việc NHNN trần tình về lợi nhuận ngân hàng ngay giữa thời điểm hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, trong khi nhiều ngân hàng “sống khỏe” được nhìn nhận từ các góc độ khác nhau.
TS. Nguyễn Trọng Tài, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng), cho rằng lợi nhuận của ngành ngân hàng thực tế không cao. Bởi nếu so sánh hai chỉ số ROE và ROA của ngành ngân hàng với 21 ngành khác của nền kinh tế, thì ROE của ngành ngân hàng chỉ ở mức trung bình, còn ROA thì ở mức thấp.
TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng ngân hàng lãi là điều đáng mừng. Ngân hàng là một tổ chức tài chính trung gian, nhận tiền gửi để cho vay nên càng phải đảm bảo hiệu quả hoạt động. Các ngân hàng có hoạt động hiệu quả mới hỗ trợ tốt cho nền kinh tế được. Nên thu nhập ngành ngân hàng cao hơn mặt bằng chung là dễ hiểu. Mặt khác, cũng đừng nhìn vào con số tuyệt đối để đánh giá ngân hàng lãi nhiều hay lãi ít, mà phải căn cứ vào chỉ số ROA và ROE.
“Rõ ràng, hiện mức vốn chủ sở hữu của một ngân hàng thấp nhất cũng lên tới 3.000 tỷ đồng; tổng tài sản hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng nên lãi có thể lên đến vài trăm tỷ đồng; trong khi doanh nghiệp có mức vốn chủ sở hữu chỉ vài chục tỷ đồng thì lãi ít hơn cũng là điều dễ hiểu. Chưa kể, số lãi các ngân hàng công bố thường chỉ là con số tạm tính, chưa tính đến những khoản nợ xấu”, ông Kiêm nói.
Song cũng có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế chỉ có 40% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thì con số 90% ngân hàng có lãi (chỉ 10% thua lỗ) chứng tỏ ngân hàng đang “ăn” trên lưng doanh nghiệp và người gửi tiền.
Chính TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từng ví ngân hàng giống như người nằm giữa một tấm chăn, giữa hai bên là doanh nghiệp và người gửi tiền. “Như vậy, dù bên này hay bên kia co kéo, thì ở giữa, ngân hàng vẫn “ấm”. Nên việc ngân hàng lãi trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thua lỗ cũng không có gì lạ”, ông Nghĩa nói.
Tất nhiên, khả năng con số lợi nhuận “ảo” cũng có thể xảy ra từ ý đồ của các ngân hàng. TS Cao Sỹ Kiêm nhận định: “Không loại trừ việc một số ngân hàng công bố lãi lớn để lên sàn, để phát hành cổ phiếu, nâng giá trị cổ phiếu... Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ công bố lợi nhuận của các ngân hàng là cần thiết, không để tình trạng loạn công bố lợi nhuận, mỗi nơi một con số như hiện nay”.
Bình luận (0)