Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 của một loạt ngân hàng (NH) thương mại cho thấy bức tranh lợi nhuận tiếp tục khả quan trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Dù vậy, có sự phân hóa lợi nhuận đáng kể giữa các NH và áp lực nợ xấu gia tăng khi doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó.
Lợi nhuận chạm mốc tỉ USD
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến ngày 1-2, trong số những NH thương mại đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022, xuất hiện những NH cán mốc lợi nhuận tỉ USD.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho thấy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 46.822 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế của NH này vượt 37.300 tỉ đồng (xấp xỉ 1,6 tỉ USD), tăng khoảng 39% so với năm trước và đạt 119% kế hoạch cả năm 2022. Đáng chú ý biên lãi ròng của Vietcombank đạt 3,51%, cao hơn năm trước.
Vẫn chưa dễ giảm lãi suất cho vay dù các ngân hàng đồng loạt báo lãi ở mức cao và có tín hiệu cho thấy lãi suất tiền gửi có thể giảm vào cuối năm nay .Ảnh: BÌNH AN
NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đạt lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 25.600 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD), tăng trưởng 10%, nhờ hoạt động kinh doanh tích cực và tiết giảm chi phí. Thu nhập từ lãi đạt 30.300 tỉ đồng, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần được quản lý ở mức 5,1%; thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 24,8% so với cùng kỳ...
Các NH thương mại khác như NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng ghi nhận kết quả lợi nhuận khả quan trong năm 2022. Cụ thể, ước lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của VietinBank năm qua là 20.500 tỉ đồng, đạt mục tiêu kế hoạch đại hội cổ đông đề ra. BIDV công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế khối NH thương mại là 22.560 tỉ đồng.
Tương tự, năm 2022, lợi nhuận trước thuế NH hợp nhất của VPBank tăng 48% so với năm trước, đạt 21.219 tỉ đồng. Chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và chi phí trên thu nhập (CIR) lần lượt nằm trong tốp dẫn đầu thị trường.
NH TMCP Quân đội (MB) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 22.729 tỉ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ.
Trong làn sóng báo lãi từ hoạt động kinh doanh khả quan, một loạt NH TMCP khác như Sacombank, SHB, SeABank, MSB, HDBank, ACB, VIB… cũng đạt lợi nhuận cao, vượt chỉ tiêu đề ra.
Dù vậy, bức tranh lợi nhuận của ngành NH có sự phân hóa. Ở khối NH cổ phần quy mô nhỏ hơn, một số NH có kết quả không quá tích cực hoặc không đạt kế hoạch đề ra.
Có dư địa giảm lãi suất?
Trong bối cảnh hàng loạt NH lãi lớn, cộng đồng DN và thị trường quan tâm lãi suất cho vay liệu có giảm khi tiềm lực tài chính của NH mạnh hơn, biên lãi ròng cũng tăng và sẽ là cơ hội để tiết giảm chi phí đầu vào, tạo tiền đề giảm lãi suất đầu ra.
Chỉ thị 01 của NH Nhà nước về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH trong năm nay đã nêu rõ định hướng khuyến khích tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Nhiều DN đang rất thiếu vốn tín dụng và mong muốn được tiếp cận vốn dễ dàng hơn với lãi suất thấp hơn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VBNA), nhận định đúng là các NH có lợi nhuận tích cực song một phần đến từ lãi dự thu (phần lãi chưa thu đối với những khoản nợ đủ chuẩn và có khả năng trả được - PV). Trong bối cảnh DN còn khó khăn, sức ép nợ xấu gia tăng là không nhỏ. Trường hợp một số NH không thu được lãi khi đến hạn và DN chưa trả được hoặc xin cơ cấu lại khoản lãi thì sẽ phải xem xét chuyển nhóm, đồng thời loại khỏi lãi dự thu.
"Cần xem xét bức tranh lợi nhuận NH ở nhiều khía cạnh. Không chỉ đơn giản cứ lãi lớn là có dư địa giảm lãi suất cho vay. Nếu nợ xấu gia tăng, các NH sẽ phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, lãi suất huy động đã hạ nhiệt về mức tối đa dưới 9,5%/năm, góp phần giúp mặt bằng lãi suất ổn định hơn" - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng các NH lãi lớn có phần bởi tăng trưởng tín dụng năm 2022 trên 14,6% - mức cao nhất trong vài năm trở lại đây. Lãi suất đầu vào tăng trong những tháng cuối năm đồng thời với việc lãi suất cho vay cũng được đẩy lên góp phần giúp NH duy trì lợi nhuận ở mức cao. Dù vậy, nguy cơ nợ xấu tăng là bài toán mà các NH cần tính toán kỹ.
"Giai đoạn năm 2011-2013, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, nợ xấu đã trở thành "cục máu đông" của hệ thống NH cũng như toàn nền kinh tế, nhiều năm sau vẫn xử lý chưa triệt để. Có NH thương mại báo lãi 1.800 tỉ đồng nhưng vài năm sau đó nợ xấu tăng khiến lợi nhuận chỉ còn vài trăm tỉ đồng. Vì vậy, lãi dự thu cao chưa chắc đã trở thành lãi thực tế" - TS Đinh Thế Hiển phân tích.
Trong bối cảnh này, dư địa để giảm lãi suất cho vay từ sự chủ động của các NH thương mại là không dễ. Cũng theo TS Đinh Thế Hiển, dù lãi suất cho vay cao nhưng do thiếu vốn, rất nhiều DN vẫn phải chấp nhận, thậm chí còn phải vay "nóng" bên ngoài với lãi suất cao hơn để duy trì sản xuất - kinh doanh. Khi nhu cầu vốn của thị trường vẫn lớn, lãi suất cho vay sẽ khó giảm. Chưa kể các NH thương mại vẫn phải duy trì lãi suất đầu vào cao để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ người dân.
Cuối năm, lãi suất tiền gửi sẽ giảm nhẹ
Báo cáo chiến lược năm 2023 của Công ty Chứng khoán VNDirect phân tích: Lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm nay do hạn chế thanh khoản giữa bối cảnh khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu DN. Nhu cầu huy động vốn của các NH tăng mạnh nhằm bảo đảm các chỉ tiêu an toàn vốn, đáp ứng nhu cầu vay tăng cao. Tăng trưởng tiền gửi đã chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022 nên các NH phải tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi.
Tuy vậy, lãi suất tiền gửi có thể giảm nhẹ trong nửa cuối năm nay nhờ áp lực tỉ giá giảm cho phép NH Nhà nước bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất.
Bình luận (0)