Trong khi doanh nghiệp (DN) bị hạn chế vay vốn bằng ngoại tệ thì ngân hàng (NH) thương mại vẫn vay được USD từ các tổ chức nước ngoài, NH nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa vay NH Cathay United 50 triệu USD, NH Công Thương Việt Nam vay từ một DN Đài Loan 200 triệu USD. Một số NH khác cũng đang đàm phán với các tổ chức quốc tế về lãi suất, thời hạn và số tiền vay.
Bù đắp vốn dài hạn
Lãnh đạo Sacombank lý giải: Tùy theo mục tiêu kinh doanh để NH tìm nguồn vốn đầu vào. Ví dụ, khi DN cần vay USD số lượng lớn trong nhiều năm, NH không dám sử dụng nguồn vốn USD ngắn hạn mà khách hàng đang gửi để cho vay vì nếu khách hàng đột ngột rút ra, lượng tiền gửi USD không kỳ hạn giảm khoảng 30% thì NH “hổng chân”.
Còn Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NH Nhà nước) Bùi Quốc Dũng cho rằng trước đây, khách hàng thường gửi tiết kiệm ngoại tệ ngắn hạn. Một số NH đã sử dụng nguồn vốn này để cho vay dài hạn. Khi lãi suất tiền gửi USD lùi về 0%, khách hàng tập trung gửi tiết kiệm USD không kỳ hạn, buộc NH phải phòng thủ bằng cách vay USD dài hạn từ nước ngoài nhằm bù đắp số ngoại tệ đã cho DN trong nước vay.
Nhiều người trong cuộc cho biết ngoài việc bù đắp nguồn vốn USD, NH có thể chuyển hóa số ngoại tệ đã vay sang tiền đồng để có vốn dài hạn, cân bằng kỳ hạn nguồn vốn VNĐ vì trong năm 2015 đã sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Một số chuyên viên kinh doanh ngoại tệ của nhiều NH tính toán: Lãi suất vay vốn USD dài hạn nước ngoài hiện khoảng 2%/năm, tương đương với lãi suất VNĐ 6%, thấp hơn so với lãi suất huy động VNĐ dài hạn hiện nay (từ 7%/năm trở lên). Tuy nhiên, đến thời hạn trả nợ, nếu tỉ giá VNĐ/USD tăng mạnh thì NH sẽ gặp rủi ro. Vì thế, để phòng ngừa, NH sẽ tính đến việc mua USD kỳ hạn từ NH Nhà nước.
Tiềm ẩn rủi ro
Bàn luận việc các NH thương mại vay USD nước ngoài, nguyên tổng giám đốc một tổ chức tín dụng cho rằng các NH sẽ bán USD rồi cho vay VNĐ dài hạn với lãi suất trên 10%/năm. Sau đó, NH mua lại USD để trả nợ bởi trong 1 năm, tỉ giá không thể tăng quá 5%.
Dưới góc độ học thuật, GS-TS Trần Ngọc Thơ (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) cảnh báo NH thương mại vay USD từ nước ngoài là một cách thức tự áp đặt “rủi ro mang tính hệ thống”. Tức là rủi ro ảnh hưởng đến cả thị trường tài chính, hệ thống NH và cho cả nền kinh tế. Bởi lẽ, không một ai có thể dự báo chính xác mức độ biến động của USD trên thị trường quốc tế và điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro tỉ giá rất lớn đối với các NH thương mại và có khả năng lây lan cả hệ thống.
Mặt khác, với cơ chế điều hành tỉ giá hiện nay của NH nhà nước, các NH thương mại đã mất đi cơ chế phòng vệ rủi ro tỉ giá khi NH Nhà nước không còn tuyên bố chính thức mức tăng trần tối đa của tỉ giá mỗi năm (một hình thức NH Nhà nước bảo hiểm ngầm rủi ro tỉ giá). Tỉ giá tăng giảm hằng ngày cũng làm cho việc dự đoán USD tăng hay giảm giá so với VNĐ là vô cùng khó khăn.
“NH thương mại phòng ngừa rủi ro bằng cách đăng ký mua USD kỳ hạn từ NH Nhà nước là vô lý. Vì mục đích bán ngoại tệ kỳ hạn của NH Nhà nước là để can thiệp khi thị trường gặp cú sốc, cung cầu ngoại tệ trong nước mất cân đối, ổn định tỉ giá VNĐ/USD, chứ không phải để can thiệp các NH thương mại đi vay nợ bằng USD ở nước ngoài.
Vì thế, NH Nhà nước dứt khoát không nên để các NH thương mại vay USD nước ngoài rồi đem cho vay lại trong nước dưới bất kỳ hình thức nào. Chỉ duy nhất Chính phủ mới là chủ thể hợp pháp vay nợ bằng đô-la thông qua phát hành trái phiếu trên thị trường mà thôi!” - ông Thơ phân tích.
DN sắp chấm dứt vay - bán ngoại tệ
Ngày 28-3, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết Thông tư 24/2015/TT-NHNN về cho vay bằng ngoại tệ quy định DN xuất khẩu vay ngoại tệ ngắn hạn, rồi bán ngay cho NH thương mại để mua nguyên liệu sản xuất sẽ chấm dứt quan hệ vay - bán ngoại tệ này vào ngày 31-3.
Theo ông Minh, Thông tư 24 vẫn cho phép DN xuất khẩu vay ngoại tệ ngắn hạn và dài hạn để nhập khẩu hàng hóa, DN được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cũng được vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán tiền nhập khẩu xăng dầu.
Bình luận (0)