Theo lộ trình mới do phía Mỹ đưa ra, từ ngày 2-8, thay vì ngày 1-9, tất cả lô hàng cá bộ Silurformes (cá tra, cá ba sa, cá trê) nhập khẩu vào Mỹ được Bộ Nông nghiệp Mỹ thực hiện kiểm tra tại các kho chỉ định (i-house). Những nội dung khác trong chương trình thanh tra cá da trơn như chứng thư, ghi nhãn, điều kiện bảo quản và việc lấy mẫu kiểm tra trên 200 chỉ tiêu các loại đã được 2 nước phối hợp chuẩn bị trong thời gian chuyển tiếp 17 tháng qua.
Thị trường Mỹ không còn hấp dẫn đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Ảnh: NGỌC TRINH
Ngày 1-8, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết chưa ghi nhận việc ách tắc cá tra xuất sang Mỹ do chưa đến thời điểm quy định có hiệu lực. Dù vậy, để phòng tránh tình huống này, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã giãn việc đưa hàng sang Mỹ. Lo lắng lớn nhất của các DN là vấn đề kho chỉ định của Mỹ, nơi các lô cá tra được đưa đến bảo quản để kiểm tra trước khi thông quan không đáp ứng yêu cầu. Vấn đề này đang được các nhà nhập khẩu Mỹ cùng DN Việt Nam tìm cách giải quyết trong việc điều phối hàng.
Theo ông Hòe, những khó khăn của cá tra xuất khẩu sang Mỹ không phải mới đây mà đã có từ nhiều năm, từ khi bị áp thuế chống bán phá giá. Do vậy, hiện chỉ có 3 DN chịu mức thuế thấp hoặc 0% đối với mặt hàng chủ lực cá trá (phi lê đông lạnh) là đang xuất khẩu sang Mỹ.
Như vậy, phần lớn DN cá tra đã không có giao dịch với thị trường Mỹ dù Việt Nam có đến 62 DN được Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Những DN mới cũng không có khả năng tham gia thị trường này vì Mỹ đang tạm ngưng xem xét để đưa vào danh sách DN đủ điều kiện.
Theo ông Ông Hàng Văn, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), những DN bị Mỹ áp mức thuế bán phá giá cao đã chuyển hướng sang các thị trường châu Âu, Trung Quốc, Nam Mỹ hoặc phá sản trong những năm qua. Sự thay đổi của thị trường Mỹ gần đây chưa tác động lớn đến ngành cá tra. Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu hiện tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước, đạt mức 23.500 đồng/kg.
PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó Chủ tịch VASEP, cho rằng quy định mới của Mỹ sẽ làm tăng chi phí cho DN, giảm sức cạnh tranh, làm mất nhiều cơ hội của cá tra tại thị trường này. Tuy nhiên, ông Dũng nhận định cá tra là sản phẩm tốt, giá rẻ nên khả năng cạnh tranh cao ở tất cả thị trường. Khó khăn mà ngành gặp phải là do những vấn đề nội tại khi các DN không hợp tác với nhau mà chủ yếu cạnh tranh giá rẻ, dẫn đến làm hại cả ngành.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi cá tra 7 tháng đầu năm 2017 ở ĐBSCL ước đạt 3.921,6 ha, giảm 5,4% so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch khoảng 729.700 tấn, tăng 1,2% với cùng kỳ.
Bình luận (0)