Có mặt tại khu nhà lồng rau củ quả chợ đầu mối Hóc Môn một tối giữa tuần, chúng tôi bắt gặp hình ảnh vài ô vựa bán cải thảo, cải sậy chất rác thải là những lớp lá bên ngoài của bắp cải vào sọt tre rồi đẩy ra đổ ở khu vực tập kết rác bên ngoài nhà lồng. Tại một số ô vựa khác, củ cải trắng, cà rốt, bắp cải từ xe tải chuyển xuống đã khá sạch sẽ, không cần sơ chế. Bên trong nhà lồng tương đối sạch, thoáng, khác hẳn với hình ảnh rác thải rau củ đổ đống, thậm chí tràn ra cả lối đi như nhiều năm trước tại các chợ đầu mối.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết 3 năm qua, công ty đã thống nhất chủ trương không ưu tiên cho sơ chế tại chợ. Thương nhân kinh doanh 6 mặt hàng là củ cải trắng, cà rốt, bắp cải, cải thảo, cải sậy, thơm phải làm sạch hàng hóa trước khi đưa vào chợ, trường hợp buộc phải sơ chế tại chợ thì phải dọn dẹp gọn gàng, mang rác ra đổ ở khu vực quy định. "Thời gian đầu, ban quản lý có phương án hỗ trợ, về sau thương nhân tự thực hiện. Thương nhân thấy hàng chưa được sơ chế thì báo lại nơi cung cấp hàng để họ chủ động làm sạch nông sản trước khi đưa về TP" - ông Tiển nói về quy trình kiểm soát việc sơ chế nông sản tại nguồn ở chợ này.
Việc quản lý sơ chế nông sản tại nguồn không chỉ diễn ra tại chợ đầu mối Hóc Môn mà các ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền cũng triển khai tương tự từ năm 2018 đến nay và tập trung vào 5 mặt hàng chiếm 70% lượng rác thải ngành hàng rau củ quả của chợ: củ cải trắng, cà rốt, cải thảo, cải sậy, bắp cải.
Hầu hết củ cải trắng, cà rốt đưa về chợ đầu mối tiêu thụ đều đã được sơ chế tại nguồn
Suốt 3 năm qua, rất nhiều hội thảo chuyên đề, nhiều buổi làm việc giữa sở ngành TP HCM với sở ngành, các nhà vườn, HTX sản xuất nông nghiệp, thương nhân, thương lái… ở các tỉnh, thành và thương nhân 3 chợ đầu mối TP HCM về giải pháp giảm rác thải từ nông sản về TP HCM, sơ chế đóng gói nông sản tại nguồn lẫn giải pháp đầu ra cho rác thải nông sản từ nơi sản xuất đã được tổ chức.
Kết quả là lượng rác thải hữu cơ về chợ đầu mối có xu hướng giảm dần, một số đơn vị cung ứng các mặt hàng nông sản đã tiến hành sơ chế, đóng gói tại nơi trồng trước khi nhập chợ. Số liệu thống kê của TP HCM cho thấy lượng rác thải bình quân tại ba chợ đầu mối có xu hướng giảm qua các năm, đến nay đã giảm 60-65 tấn/đêm so với năm 2018, tại các chợ hầu như không còn tình trạng sơ chế mặt hàng rau củ quả trong nhà lồng. Tỉ lệ rác thải trên tổng lượng hàng hóa về 3 chợ đầu mối cũng có xu hướng giảm dù còn rất khiêm tốn: năm 2018 là 2,76%, năm 2019 là 2,23% và 7 tháng đầu năm 2020 là 2,2%.
Theo ban quản lý các chợ đầu mối, thành công lớn nhất của chương trình là đã cơ bản thay đổi ý thức của nhà vườn lẫn người kinh doanh, các khâu đã có sự chủ động, trách nhiệm hơn trong việc loại bỏ rác thải nông sản trước khi đưa về TP HCM tiêu thụ. Thực tế, có thể kéo giảm lượng rác thải nông sản từ các nơi đổ về TP HCM xuống thấp hơn nữa, với điều kiện có sự phối hợp đồng bộ giữa ban quản lý các chợ đầu mối và sự quyết liệt của TP trong việc giám sát, thực hiện. Lâu nay, các ban quản lý chợ vẫn nhìn nhau để "siết" quy định về sơ chế nông sản tại nguồn, nếu 1 chợ "siết" trong khi 2 chợ khác "nương" thì thương nhân ở chợ bị "siết" không bán được hàng, có phản ứng; nếu cả 3 chợ đồng loạt thực hiện nghiêm thì người kinh doanh, sản xuất buộc phải làm đúng theo quy định.
Quy hoạch phát triển thương mại TP HCM đến năm 2025 định hướng xây dựng 3 chợ đầu mối tập trung hoàn thiện công năng, nâng cấp thành các trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm và địa điểm tham quan, mua sắm du lịch của khu vực phía Nam. Việc thực hiện sơ chế hàng hóa nông sản tại nguồn nhằm tạo cơ sở để thực hiện định hướng quy hoạch này và TP cần có giải pháp quyết liệt hơn để nâng cao hiệu quả giảm rác thải nông sản đổ về TP. Trong đó, ban quản lý các chợ với vai trò là đơn vị trực tiếp tiếp nhận hàng hóa phải kiên quyết không cho 5 mặt hàng củ cải trắng, cà rốt, cải thảo, cải sậy, bắp cải chưa qua sơ chế vào chợ để tiến đến giai đoạn cấm các mặt hàng trên vào chợ nếu chưa được sơ chế; từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể lộ trình tiến tới không cho hàng hóa chưa qua sơ chế tại nguồn được vào chợ. Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, xây dựng quy chế chung về các biện pháp quản lý hàng hóa nhập chợ đầu mối, quy cách đóng gói hàng hóa nông sản để bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm tỉ lệ hao hụt sản phẩm, giảm rác thải sơ chế tại chợ đầu mối, tiến đến xây dựng hàng rào kỹ thuật cho các mặt hàng nông sản nhập vào TP.
Bình luận (0)