Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2012, các ngân hàng thương mại đã cho vay đối với lĩnh vực nuôi và chế biến cá tra với tổng dư nợ trên 22.700 tỉ đồng nhưng sự phân bố nguồn vốn vay không hợp lý, nơi cần thì không được vay, ảnh hưởng đến người nuôi và doanh nghiệp (DN).
Nông dân ĐBSCL thu hoạch cá tra
Ông Cát Quang Dương, Vụ phó Vụ Tín dụng Nhà nước, cho biết trong tổng dư nợ trên 22.700 tỉ đồng “bơm” cho ngành cá tra (tăng trưởng gần 25% so với năm 2011) thì cho vay đối với nuôi trồng là gần 7.800 tỉ đồng (tăng 39,7%); chế biến hơn 14.900 tỉ đồng (tăng 18,46%). Một số tỉnh có số dư nợ cao như Cần Thơ: trên 6.000 tỉ đồng, An Giang: hơn 5.900 tỉ đồng; Đồng Tháp: hơn 5.300 tỉ đồng…
Tuy nhiên, theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuât khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc cho An Giang vay trên 6.000 tỉ đồng có thể chấp nhận được vì tỉnh này có sản lượng và diện tích nuôi cá tra lớn. Tuy nhiên, tại Hậu Giang, trong năm 2012, dư nợ cho vay gần 2.500 tỉ đồng (tăng 31,5%) nhưng chỉ có 2-3 DN chế biến và xuất khẩu cá tra là bất hợp lý.
Trong khi đó, tại TP Cần Thơ đã có 4 DN thủy sản “tê liệt” vì thiếu vốn, gồm: Công ty TNHH An Khang, Công ty TNHH Thủy sản Trường Nguyên, Công ty TNHH Vĩnh Nguyên và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã.
Để được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, ngoài điều kiện khắt khe, DN phải trả sớm. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, cho biết hiện nay, trên 60% sản lượng cá tra là do DN tự nuôi và chế biến nhưng ngân hàng cho vay dưới hình thức là vay để mua cá trong nông dân nên trong vòng 4 tháng phải trả lại. Điều này gây khó khăn cho hàng loạt DN vì chu trình sản xuất, chế biến từ 8-10 tháng.
Ngoài ra, khi các ngân hàng thương mại cho vay, sẽ định giá trên tài sản thế chấp nhưng cách làm này đã lỗi thời. Tài sản thế chấp thường là tài sản đất và tài sản trên đất được ngân hàng định giá theo giá từ những năm về trước nên hạn mức cho vay hạn chế. Vì vậy, cần định giá lại theo thời giá hiện nay, điều này cần sự can thiệp của UBND các tỉnh, thành.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết đứng trước khó khăn của DN và người nuôi cá tra, Chính phủ đã có Công văn 1149 tháo gỡ chính sách tín dụng cho ngành cá tra. Tuy nhiên, qua khảo sát, người dân, đặc biệt là những hộ nuôi nhỏ lẻ chưa được hưởng lợi từ chính sách này.
Ông Lê Chí Bình, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, nhận định: “Nếu chỉ tập trung cho DN vay thì sẽ gây lãng phí, trong khi nông dân cũng cần vốn để duy trì ao, hầm. Vì vậy, DN cần liên kết với nông dân tạo thành chuỗi: có vùng nuôi, chế biến và xuất khẩu ổn định”. Ông Tám cũng đề nghị những hộ nuôi nhỏ lẻ tổ chức lại thành HTX, tổ hợp tác bắt tay với DN để đẩy mạnh xuất khẩu cá tra.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, kiến nghị: “Cần có giải pháp khoa học góp phần cho nông dân làm ăn hiệu quả. Việc liên kết giữa DN và người nuôi là rất cần thiết. Đồng thời, ngân hàng cần cơ cấu lại việc cho vay phù hợp với chu trình sản xuất”.
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, nói nếu điều tiết mạnh nguồn cung, không có cơ hội cho giá thức ăn tăng, DN và nông dân không bị hối thúc “đòi tiền” từ ngân hàng thì sẽ có sản lượng cá tra vừa phải, lúc đó xuất khẩu chắc chắn được giá.
Ngành cá tra đang đối mặt với 4 cái “thừa”: nguồn cung, nhà máy chế biến, nhà máy chế biến thức ăn, nhà máy chế biến phụ phẩm. Theo ông Dương Ngọc Minh, nếu giải quyết được 4 cái “thừa” nêu trên mới mong đưa ngành cá tra phát triển ổn định. |
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-1
Bình luận (0)