Nhiều triển lãm ngành công nghiệp vừa tổ chức tại TP HCM như Triển lãm Liên minh các ngành công nghiệp hỗ trợ, Triển lãm Phụ tùng công nghiệp và Thầu phụ Việt Nam đã thu hút 29 nước, vùng lãnh thổ tham gia. Điều này cho thấy Việt Nam đang hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ, được nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm.
Nội địa hóa ngành ô tô trong nước còn thấp
Ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex tại Việt Nam, cho rằng rất nhiều công nghệ, máy móc và ý tưởng mà các ngành công nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng để thu được những thành công mới; sản xuất cả về chất lượng và số lượng.
Còn theo ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ trở thành một nhân tố trung tâm về sản xuất gia công kim loại tại khu vực Đông Nam Á. Ông Soichi Yoshimura, Phó Giám đốc điều hành Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, cho biết tại Nhật Bản, việc mua các phụ tùng máy là khá khó khăn, tỉ lệ phát triển kinh tế Nhật Bản thấp vì vậy doanh nghiệp Nhật Bản muốn tới Việt Nam để mở rộng thị trường. Ông cũng bày tỏ hy vọng các công ty Việt Nam và Nhật Bản có thể hợp tác cùng nhau để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ông Hirokata Yasuzumi, Giám đốc JETRO TP HCM, cho biết công nghiệp hỗ trợ và gia công kim loại Việt Nam đang phát triển rất nhanh, thu hút nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao kỹ thuật để phát triển sản xuất cả về số lượng và chất lượng. Theo ông Atsushi Hisano, Giám đốc Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Tokyo, Phòng Thương mại và Công nghiệp, Cục Công nghiệp và Nguồn lao động, chính quyền TP Tokyo, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ rất khó khăn khi làm việc một mình, chính quyền TP Tokyo đã hỗ trợ cho 14 công ty để họ có thể tới Việt Nam để nâng cao kỹ thuật và hợp tác với các công ty Việt Nam. Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang trên đà phát triển và cần nhiều kỹ thuật hiện đại để đẩy mạnh công nghiệp.
Theo ông Sotaro Nishikawa, Tổng Giám đốc Jetro Ibaraki, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiềm năng để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. 20 doanh nghiệp từ Nhật Bản đã sang Việt Nam tìm hiểu thông tin để hợp tác lâu dài. Theo bà Malinee Harnboonsong, Giám đốc Trung tâm Thương mại Thái Lan, Ban Xúc tiến thương mại quốc tế, Bộ Thương mại, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, nhiều công ty Thái Lan đầu tư tại Việt Nam đang tìm kiếm đối tác trong ngành công nghiệp cơ khí để hợp tác song phương. Ông Suthiket Thatpitakkul - chuyên viên xúc tiến đầu tư, chuyên viên cấp cao của Phòng Phát triển Liên kết công nghiệp, thuộc Ủy ban Đầu tư Thái Lan - cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng gia tăng. Các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao sản xuất cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Ông Viroj Sirithanasart, Chủ tịch Hiệp hội Liên minh các ngành Công nghiệp hỗ trợ, cho biết thêm thông tin: A.S.I.A đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cộng đồng kinh tế chung châu Á AEC sắp tới, các nhà chế tạo phụ tùng ở Việt Nam sẽ cần sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến để sản xuất các phụ tùng phức tạp hơn.
Ông Adam See, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp điện tử Singapore (AEIS), cho biết sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ và điện tử Việt Nam sẽ tăng vọt trong vài năm tới. Các công ty của Singapore muốn trở thành đối tác của công nghiệp điện tử Việt Nam trong việc đầu tư máy móc. Bà Grace Chen, Chuyên viên Hiệp hội Máy công nghiệp Đài Loan (TAMI), cho biết gần đây công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang liên tục phát triển, các nhà sản xuất Việt Nam luôn cập nhật xu hướng tìm kiếm công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh.
Bình luận (0)