Chiều 27-12, Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương đã tổ họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012.
Còn lỗ 4.700 tỉ đồng
Cục Điều tiết điện lực cho biết doanh thu bán điện năm 2012 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 143.893,78 tỉ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012 là 1.322,55 đồng/KWh.
Tính đến ngày 31-12-2012, tổng số lỗ lũy kế do sản xuất kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá thành là hơn 19.800 tỉ đồng, giảm rất nhanh so với số nợ 38.000 tỉ đồng được EVN công bố tại cuộc họp báo về nội dung trên năm trước. Trong đó, lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện tính đến thời điểm trên của EVN là hơn 4.700 tỉ đồng. Lãi sản xuất kinh doanh nói chung của EVN năm 2012 là 6.000 tỉ đồng, riêng sản xuất kinh doanh điện lãi trên 4.400 tỉ đồng.
Lý giải cho việc này, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết năm 2012, giá thành thủy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện của EVN ở mức thấp, chỉ khoảng 523 đồng/KWh nên giá thành bình quân điện được kéo thấp xuống. Bên cạnh đó, sản lượng điện từ thủy điện lại tăng vọt do nước về nhiều. Do đó, mặc dù giá than tăng 2 đợt: tháng 4 tăng 10%-11%, tháng 8 tăng 20%-40% (tùy từng loại than) đã làm tăng chi phí các nhà máy nhiệt điện dùng than nhưng tổng thể chi phí chỉ tăng hơn 3%.
“Chi phí giảm có thể bổ sung hạch toán thêm các khoản chênh lệch tỉ giá còn treo lại, bù thêm lỗ những năm trước” - ông Tri khẳng định.
Dự kiến năm 2013, theo ông Đinh Quang Tri, doanh thu của EVN ước tính khoảng 172.000 tỉ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 120 tỉ đồng.
Than thở khó vay vốn
Ông Đinh Quang Tri cho biết tính đến năm 2013, EVN đã cân bằng được tài chính, bù lỗ sản xuất kinh doanh được 12.000 tỉ đồng. Lỗ chênh lệch tỉ giá đã giải quyết phần lớn, phần còn lại sẽ giải quyết và phân bổ đến hết năm 2015.
Về tài chính của EVN, đến thời điểm này, công ty mẹ và các công ty con cơ bản đáp ứng được những yêu cầu để vay vốn, đầu tư các dự án mới. “Tuy nhiên, còn một số tổng công ty- nhất là Tổng Công ty Phát điện 1, 2, 3- việc vay vốn gặp khó khăn do tỉ lệ vốn nợ/vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần, có nơi 5-6 lần nên không đủ điều kiện vay vốn. Để giải quyết tình trạng này, một loạt dự án phải thực hiện theo phương thức EVN đứng ra vay vốn, cho các tổng công ty vay lại để họ đầu tư các dự án lớn” - ông Tri cho biết.
Phó Tổng Giám đốc EVN cũng cho biết phần vốn đối ứng tập đoàn chủ yếu phải đi vay do vốn chủ sở hữu của DN thấp vì còn phải trả nợ.
“Như vậy, tình hình tài chính với sản xuất kinh doanh thì cân bằng được nhưng với đầu tư thì hết sức khó khăn. Hiện nay, tỉ lệ vốn nợ/vốn chủ sở hữu của EVN mới là 1,8 lần, đủ điều kiện vay vốn nhưng với cơ chế EVN đi vay hàng tỉ USD cho các tổng công ty vay lại thì tỉ lệ này sẽ tăng nhanh và dự kiến vài năm nữa sẽ đội trần. Khi đó, EVN rất khó vay vốn được nữa” - ông Tri nói.
Cần thẩm tra độc lập báo cáo của EVN
Nhận xét về báo cáo của EVN, ông Đỗ Gia Phan, Ủy viên Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nói: “Thời gian Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam được mời cùng tham gia kiểm toán là khoảng 1 tháng với 7-8 cuộc họp. Việc kiểm tra chủ yếu dựa trên những số liệu EVN báo cáo chứ không đến tận nơi để kiểm tra, vì thế chắc chắn còn nhiều cái chúng tôi không biết hết được. Theo tôi, cần có sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan có trách nhiệm để minh bạch giá điện vì hiện nay chúng ta chưa thể có giá điện theo thị trường được”.
Bình luận (0)