Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) vừa phối hợp cùng Công ty Thủy điện Sông Tranh tổ chức Hội nghị Quản lý Kỹ thuật - An toàn năm 2019 nhằm phân tích và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến kỹ thuật như bảo dưỡng sửa chữa trong các nhà máy nhiệt điện; khắc phục các sự cố điển hình; tối ưu hoá chi phí…
Liên quan đến an toàn điện, ông Phạm Văn Hoan, Ban An toàn - EVNGENCO1, cho biết ngành điện tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro trong quá trình vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị điện, đặc biệt là các rủi ro về vi phạm khoảng cách an toàn, thao tác sai, sử dụng các thiết bị điện cầm tay không đúng quy định, tiếp xúc trực tiếp, làm gần các thiết bị điện… Do đó, các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang áp dụng theo Thông tư 31 của Bộ Công Thương, Quy trình An toàn điện trong EVN và Quy định mẫu phiếu công tác cơ - nhiệt - hóa để đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị trong vận hành, sửa chữa hệ thống thiết bị điện. "Việc triển khai tốt quy trình an toàn điện và công tác cơ nhiệt hóa có ý nghĩa quan trọng tại EVNGENCO1 trong việc đảm bảo an toàn lao động, chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả vận hành của các nhà máy tại Tổng công ty" - ông Hoan nói.
Quang cảnh Hội nghị Quản lý Kỹ thuật - An toàn năm 2019 Ảnh: Phương Thảo
Các đơn vị thuộc EVNGENCO1 cũng đặc biệt quan tâm đến tiết giảm chi phí thông qua tối ưu hóa quản trị hàng tồn kho. Theo đó, yêu cầu các đơn vị báo cáo chi tiết về nhu cầu vật tư thiết bị hàng năm, rà soát vật tư tồn kho, lập kế hoạch mua sắm vật tư với danh sách và khối lượng cụ thể đối với từng mã hàng tồn kho vào thời điểm cùng với thời điểm lập kế hoạch năm sau. Ngoài ra, giám sát thường xuyên việc thực hiện mua sắm đấu thầu của đơn vị bằng hệ thống báo cáo hàng quý cũng như công tác kiểm tra trực tiếp tại đơn vị.
"Tổng công ty triệt để thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị qua hình thức đấu thầu và đấu thầu qua mạng. Đồng thời, thông báo cho các đơn vị trong Tổng công ty khi có nhu cầu mua sắm vật tư dự phòng, phải rà soát vật tư tồn kho, nếu không có mới được mua mới. Khi có nhu cầu sử dụng, Tổng công ty sẽ thực hiện điều động vật tư giữa các đơn vị trực thuộc" - đại diện Ban Tài chính Kế toán thuộc EVNGENCO1 cho hay.
Cũng theo Tổng Công ty, chỉ tiêu sử dụng vật tư dự phòng, tồn kho vật tư là một trong những chỉ tiêu đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị và đánh giá cán bộ hằng năm. Trường hợp lãnh đạo đơn vị để xảy ra tình trạng đã có hàng tồn kho mà vẫn thực hiện việc mua sắm, Tổng công ty sẽ xem xét trách nhiệm và có biện pháp xử lý kỷ luật.
Liên quan đến công tác đấu thầu, ông Nguyễn Văn Cương, Ban Quản lý đấu thầu - EVNGENCO1, lưu ý nguy cơ chọn nhà thầu kém chất lượng có nguyên nhân từ việc hồ sơ mời thầu lập sai, không đúng quy định pháp luật về đấu thầu hoặc đưa ra tiêu chí thấp hơn so với hướng dẫn của văn bản pháp luật.
"Theo Luật Đấu thầu, chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật, người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu. Việc xây dựng và phê duyệt hồ sơ không đúng là do lỗi của chủ đầu tư và bên mời thầu, khi có hệ lụy, phải xử lý nghiêm bên mời thầu" - ông Cương nhấn mạnh.
Từ đó, theo ông Cương, nhằm nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong đấu thầu, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác đấu thầu; rà soát, đánh giá năng lực của các tổ chuyên gia, thẩm định, bên mời thầu. Ngoài ra, tăng cường công tác hậu kiểm sau khi nhà thầu trúng thầu; kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của gói thầu…
Bên cạnh đó, với nhiều nội dung khác, hội nghị của EVNGENCO1 đã góp phần tuyên truyền, vận động đội ngũ người lao động nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia đổi mới sáng tạo, hoàn thành các nhiệm vụ và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được EVN giao.
Bình luận (0)