Theo ông Bùi Hữu Thêm, với tốc độ tăng trưởng 10%-15%/năm trong 10 năm qua với 2 thị trường quan trọng nhất là Mỹ và châu Âu.
"Từ trước đến nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị mang tiếng là khai thác gỗ bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái. Đúng là thói quen sử dụng nguồn gỗ nhóm 1 (gỗ quý) có giá trị cao như một tài sản của gia đình vẫn còn ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia" - đại diện Hiệp hội Gỗ TP HCM nêu thực trạng.
Tuy nhiên, mức độ sử dụng gỗ khai thác trái phép, nhất là gỗ nhóm 1, đã ngày một giảm. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào 2 thị trường Mỹ và châu Âu chiếm tới hơn 60% nên người bán phải có ý thức bảo đảm nguồn gốc theo yêu cầu nghiêm ngặt của bên mua. "Đối tác mua hàng luôn yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ, nếu không có giấy chứng nhận thì họ không mua hàng. Hiện nay chúng tôi sử dụng chủ yếu nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, ngoài ra, nhập khẩu khá nhiều gỗ từ châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản - những nhà cung cấp bảo đảm uy tín, hợp pháp về nguồn gốc nguyên liệu" - ông Thêm thông tin.
Ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu tăng trưởng tốt trong nhiều năm qua Ảnh: Tấn Thạnh
Từ lâu, Hiệp hội Gỗ TP HCM đã tiên phong trong đáp ứng yêu cầu về nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp. "Từ năm 2007, 70% trong tổng số 475 hội viên của hiệp hội đã ký cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp. Với tất cả hội viên khi gia nhập hội, một trong những nội dung chúng tôi yêu cầu là khuyến khích DN chấp hành quy định của nhà nước, đặc biệt là các quy định khi gia nhập thị trường thế giới về vấn đề môi trường, phát triển bền vững, nói không với gỗ bất hợp pháp" - ông Thêm nhấn mạnh.
Tỏ ra tự tin về nguồn gỗ bảo đảm quy tắc xuất xứ, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho rằng rừng trồng trong nước bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến đồ gỗ nên không phải lo ngại về yêu cầu nguyên liệu hợp pháp. "Việt Nam phát triển ngành gỗ bền vững trong nhiều năm qua, chứ không phải bây giờ mới bắt tay vào làm. Cả nước mỗi năm trồng mới hơn 200.000 ha rừng cung cấp cho các DN. Mỗi năm, chỉ cần khai thác 50.000 ha là đủ cung ứng 50% nguyên liệu gỗ cho DN, 50% còn lại được nhập khẩu. Nếu duy trì tỉ lệ nhập khẩu nguyên liệu gỗ như vậy sẽ giúp gỗ rừng trồng trong nước ngày càng tăng" - ông Hạnh nói.
Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Kinh doanh Sản xuất Sài Gòn Đắk Lắk (Sadaco), nhìn nhận DN sử dụng khoảng 40% nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước và số còn lại nhập khẩu từ Mỹ hoặc những khu vực rừng được trồng hợp pháp ở châu Âu. "Dù vậy, vẫn có một số nước không có chứng nhận về rừng trồng hợp pháp nên gặp khó khăn từ các hiệp định thương mại có quy định về vấn đề này. Để giải quyết, các quốc gia đưa ra phương pháp xác định gỗ hợp pháp và DN xuất khẩu phải tuân thủ. Với DN xuất khẩu của Việt Nam, lưu ý tiêu chuẩn châu Âu, tiêu chuẩn Mỹ khác nhau nên cần thực hiện đúng theo yêu cầu của từng khu vực" - ông Mạnh góp ý.
Bình luận (0)