Tại hội thảo "Cơ hội từ thương mại Mỹ - Trung giữa hai làn Hiệp định EVFTA/CPTPP và sự hình thành trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam" tổ chức ngày 7-12 tại TP HCM, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, nhận định năm 2019 là thời điểm hội tụ các lợi thế cho ngành gỗ phát triển mạnh mẽ.
Đón xu hướng dịch chuyển
Ban tổ chức hội thảo đánh giá xung đột thương mại Mỹ - Trung đã leo thang rất nhanh. Lúc đầu, Trung Quốc bị đánh thuế nhóm mặt hàng trị giá khoảng 34 tỉ USD, mức thuế 25%, sau tăng lên 50 tỉ USD cùng mức thuế 25%. Tuy nhiên, chưa có sản phẩm gỗ nào bị đánh thuế trong số 50 tỉ USD này. Đến tháng 9-2018, Mỹ quyết định đánh thuế bổ sung vào 200 tỉ USD xuất khẩu của Trung Quốc, mức thuế là 10%, dự kiến sẽ tăng lên 25% nếu Trung Quốc và Mỹ không đạt được thỏa thuận nào để chấm dứt xung đột. Gói 200 tỉ USD sau cùng này đã bao gồm một số sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Trung Quốc.
Một số chuyên gia cho rằng đây sẽ là cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam bởi đơn hàng lẫn xu hướng đầu tư đều có thể dịch chuyển sang Việt Nam.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, dự báo nếu mức thuế chỉ 10%, sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư nhiều khả năng chỉ diễn ra ở những mặt hàng có biên độ lợi nhuận thấp, như ván dán, ván dăm... Nếu mức thuế là 25%, sự dịch chuyển sẽ diễn ra ở diện rộng hơn, bao gồm cả những mặt hàng có lợi nhuận cao hơn như đồ gỗ nội thất. Nếu chuỗi cung ứng có lý do để tin rằng cuộc chiến sẽ kéo dài thì kể cả với mức thuế 10%, họ cũng cân nhắc việc dịch chuyển đơn hàng và đầu tư ra khỏi Trung Quốc để sang nước khác, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Khánh, nếu sự dịch chuyển đơn hàng và đầu tư chỉ với ý đồ lợi dụng Việt Nam để "lẩn tránh" mức thuế nhập khẩu vào Mỹ thì sớm hay muộn ngành gỗ Việt Nam cũng sẽ bị vạ lây từ hành vi này bởi người Mỹ không ngại ngần áp một mức thuế "chống lẩn tránh" lên toàn bộ đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam. Trên thực tế, Hải quan Mỹ đã khởi xướng điều tra vụ "lẩn tránh" như vậy đối với một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu ván dán từ Việt Nam. Bộ Công Thương đang theo dõi sát vụ việc này và cũng sẽ tổ chức đoàn kiểm tra để xem có sự giả mạo xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh mức thuế trên thị trường Mỹ hay không.
Ông Khanh nhìn nhận ngành gỗ trong nước sẽ thay đổi mạnh mẽ, bắt đầu từ sự chuyển dịch sản xuất từ các nước khác đến Việt Nam. Nhiều cơ hội về thị trường đầu tư tài chính, thương mại, thiết kế, nguyên liệu, thiết bị, marketing sẽ hội tụ về Việt Nam.
Đồ gỗ của Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường nước ngoài
Thuận lợi ở 2 thị trường lớn
Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Canada khoảng 128 triệu USD, 10 tháng năm 2018 đã đạt 131 triệu USD, dự kiến cả năm nay sẽ hơn 140 triệu USD. CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn đối với các sản phẩm như ván sàn, gỗ thanh bởi mức thuế 3,5% sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất cũng sẽ có cơ hội bởi mức thuế nhập khẩu từ 6%-9,5% sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu 7% ngay lập tức.
Mexico hiện chưa phải là thị trường lớn của Việt Nam do mức thuế nhập khẩu áp cho đồ gỗ là khá cao, từ 10%-15%. DN trong nước nên tìm hiểu thị trường này và có sự chuẩn bị tiếp cận bởi trong CPTPP, Mexico đã đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu cho toàn bộ sản phẩm gỗ, bao gồm cả ván dán, ván dăm, gỗ thanh, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất với lộ trình tối đa là 10 năm. Cơ hội sẽ lớn dần theo thời gian, khi mức thuế được giảm dần về 0% theo lộ trình.
Ông Khánh cho biết nếu việc phê chuẩn EVFTA diễn ra suôn sẻ trong nửa đầu 2019 thì đây sẽ là tin vui với cộng đồng chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam bởi EU là thị trường hết sức quan trọng. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào EU năm 2017 là gần 750 triệu USD. Thị trường đồ gỗ EU khoảng 80-90 tỉ USD/năm. Sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện chiếm chưa đến 1% thị trường này nên tiềm năng phát triển là rất lớn khi EVFTA được thực thi, nhất là ván dán (thuế hiện hành 7%-10%, về 0% sau 5 năm), ván dăm (thuế hiện hành 7%, về 0% sau 5 năm), gỗ thanh (thuế hiện hành 3%-4%, về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực) và đồ gỗ dùng cho nhà bếp (thuế hiện hành 2,7%, được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực). Việt Nam thực hiện nghiêm túc Hiệp định FLEGT về kiểm soát nguồn gốc gỗ được ký với EU vào tháng 10 vừa qua, mở ra cơ hội lớn cho ngành chế biến gỗ Việt Nam, không chỉ ở EU mà với cả các thị trường lớn khác như Mỹ và Nhật.
Năm 2018, ngành gỗ có khả năng xuất khẩu đạt 9,5 tỉ USD, tăng 16% so với năm ngoái.
Doanh nghiệp Việt xây nhà máy ở Mỹ
Ông Tim Liston, Phó Tổng Lãnh sự Mỹ tại Việt Nam, cho biết kim ngạch hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đối với sản phẩm gỗ tiếp tục mở rộng. Giao thương hai chiều trong ngành gỗ giữa Việt Nam và Mỹ tăng mạnh trong thời gian gần đây. Đã có những DN sản xuất đồ gỗ đầu tiên của Việt Nam chọn Mỹ xây nhà máy chế biến. Nhiều DN Việt Nam đã triển khai dự án tại Mỹ, một số DN khác đang chuẩn bị đầu tư.
Bình luận (0)