Tại buổi góp ý dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức mới đây, nhiều ý kiến không đồng tình với quy định ngân hàng (NH) thương mại phải có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho cơ quan thuế. Các thông tin người nộp thuế mở tại NH có thể cung cấp cho cơ quan quản lý thuế bao gồm thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư; mã số thuế của người nộp thuế…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng quy định trên là chưa hợp lý. Bởi Luật các tổ chức tín dụng chỉ yêu cầu NH cung cấp những thông tin trên cho viện kiểm sát, tòa án, cơ quan công an đang điều tra vụ án. Thậm chí, NH có quyền từ chối yêu cầu cung cấp nếu chưa khởi tố vụ án. "Do đó, trong một số trường hợp, việc cung cấp thông tin của người nộp thuế để phục vụ, bảo đảm thực hiện trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp là hợp lý. Nhưng phải quy định rõ việc cơ quan thuế được yêu cầu NH cung cấp ở mức nào, nếu không sẽ dẫn đến sự lạm quyền và làm lộ thông tin của khách hàng" - ông Châu nêu ý kiến.
Ngoài ra, để tránh sự tùy tiện, trong các văn bản dưới luật nên quy định cụ thể những trường hợp phải cung cấp thông tin khi ngành thuế yêu cầu.
Các chuyên gia cho rằng để tránh sự tùy tiện, trong các văn bản dưới luật nên quy định cụ thể những trường hợp phải cung cấp thông tin khi ngành thuế yêu cầu.
Theo Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định trong dự thảo này có nhiều mâu thuẫn với các quy định hiện hành, như Luật các tổ chức tín dụng; Luật Phòng, chống rửa tiền và các quy định khác. Những luật này đều quy định các NH thương mại chỉ có thể chuyển tiền nếu nhận được văn bản cưỡng chế thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi hết thời hạn thi hành cưỡng chế thuế, tài khoản của khách hàng phát sinh tiền thì NH thương mại cũng không thể chuyển tiền cho ngân sách nhà nước.
Trước đó, trao đổi với Báo Người Lao Động, Luật sư Bùi Quang Tín, Đoàn Luật sư TP HCM, cũng cho rằng trong các quy định hiện nay, cao nhất là Hiến pháp đều đề cập việc thông tin của khách hàng cần được bảo mật. Do đó, trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đề cập NH thương mại phải cung cấp thông tin định kỳ cho cơ quan thuế nhưng cung cấp thông tin cụ thể ra sao, phối hợp giữa cơ quan thuế và NH thương mại, thủ tục, chi phí phát sinh ai gánh?... Ngành thuế có nhu cầu nắm bắt thông tin nhưng nếu không quy định rõ có thể dẫn đến việc áp dụng tùy tiện.
Ở góc độ khác, Luật sư Châu Huy Quang, Điều hành hãng luật Rajah & Tann LCT, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng việc NH thương mại cung cấp thông tin tài khoản khách hàng theo yêu cầu của cơ quan thuế không trái với quy định pháp luật hiện hành, cũng như thông lệ quốc tế. Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng có quy định nguyên tắc về bảo mật thông tin cá nhân.
Dù vậy, tùy thuộc mục đích điều chỉnh của từng lĩnh vực chuyên ngành, cách xác định phạm vi thông tin cá nhân bảo mật có thể khác nhau. Và pháp luật hiện hành cũng thừa nhận tính hợp pháp của việc cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước nhằm đáp ứng mục đích quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay việc tuân thủ pháp luật thuế còn nhiều quan ngại ở khâu thực thi.
"Dưới góc độ quản lý thuế, nếu loại bỏ yếu tố lạm quyền trong thi hành công vụ, dẫn đến xâm hại lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tôi cho rằng sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan hữu quan nói chung và với NH thương mại nói riêng là cần thiết để góp phần bảo đảm thực thi quy định thuế, hạn chế gian lận thuế, trốn thuế" – luật sư Quang nói.
Bởi sự chia sẻ thông tin liên thông giữa cơ quan thuế và NH nhằm giúp xác minh thu nhập, doanh thu của người nộp thuế được chính xác và nhanh chóng hơn. Mặt khác, thực tế cho thấy rằng việc cưỡng chế tài khoản NH của người nộp thuế trong trường hợp vi phạm hiện là biện pháp khả thi và hiệu quả thực tiễn hơn so với các biện pháp khác.
Bình luận (0)