Các doanh nghiệp (DN) mua cá theo hình thức trả chậm, nói cách khác là họ đang chiếm dụng vốn của người nuôi. Trong khi đó, hầu hết người nuôi cá lại phải còng lưng gánh lãi suất từ chi phí mua thức ăn chăn nuôi và cả vốn vay ngân hàng (NH). Nếu NH không cho họ tiếp tục vay vốn vì sợ rủi ro thì khó tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ hàng loạt.
“Thù” trong “giặc” ngoài
Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc ra đời quá nhanh và nhiều các nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL không chỉ gây lãng phí cho các DN mà còn làm mất cân đối cung - cầu về nguyên liệu. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cũng như thiếu vốn sản xuất đang là vấn đề khiến các DN lao đao. Hiện có đến 80% DN cá tra giảm công suất chế biến, trong đó nhiều DN phải đóng cửa.
Cũng theo VASEP, Mỹ vẫn là thị trường có nhu cầu nhập khẩu cá tra phi lê cao và giá xuất cũng khá tốt. Tuy nhiên, một số DN còn chịu mức thuế chống phá giá ở mức từ 53%-63%. Sắp tới, các DN chế biến cá tra xuất khẩu Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn hơn khi phải cạnh trạnh khốc liệt với các nước có ngành công nghiệp nuôi và chế biến cá da trơn như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Bangladesh… vốn đã bắt đầu tiến ra thị trường thế giới.
Trong khi đó, tình hình sản xuất trong nước cũng gặp nhiều bất lợi như giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, từ 16%-30% so với năm trước, cùng nhiều chi phí sản xuất mới phát sinh như các khoản phí về cấp giấy phép, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, thuế… Các loại hàng hóa cung ứng đầu vào như giá điện, xăng dầu cũng tăng cao kéo theo giá thành sản phẩm tăng và làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng này. Mặt khác, do chính sách thắt chặt tín dụng, giá ngoại tệ tăng, lãi suất NH còn cao làm cho DN và cả người nuôi cá thêm điêu đứng.
Một số lãnh đạo ngành NH cho rằng trong tình hình chung hiện nay, DN không đủ tiềm lực tài chính mà cứ trông chờ nguồn vốn vay sẽ rất dễ “ngã” khi gặp rủi ro. Ngoài ra, do năng lực điều hành của DN còn nhiều hạn chế nên dễ phát sinh chi phí lớn.
Khó tránh vỡ nợ
Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 17 DN với 21 nhà máy chế biến thủy sản. Công suất trung bình khoảng 12.500 tấn/ngày nhưng khả năng tự cung cấp nguyên liệu của các DN vẫn còn hạn chế. Một số DN đã đăng ký xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Số ao nuôi cá do DN chỉ chiếm khoảng 34% về diện tích và khoảng 61% về sản lượng. Tuy nhiên, các DN rất khó tìm nguồn cá nguyên liệu trong dân vì đa phần họ sợ DN mua cá trả chậm hoặc quỵt nợ như đã từng xảy ra trong thời gian qua.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang, cho biết năm 2012, nguồn cung nguyên liệu tiếp tục thiếu hụt do diện tích nuôi cá trong dân giảm dần, trong khi các DN không đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng vùng nuôi nhưng khó có thể vay vốn thêm nữa. Đặc biệt, sau khi có thông tin các DN ở những tỉnh lân cận vỡ nợ, nông dân ở đây có tâm lý lo lắng và muốn được thanh toán tiền mặt ngay mới chịu bán cá. Điều này đã khiến các nhà máy thiếu cá để chế biến hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.
Ông Lê Tấn Phước, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh An Giang, cho rằng các DN đang hoạt động cầm chừng để nuôi công nhân thì chắc chắn phải chịu lỗ. DN trong tỉnh cũng phải nên nói thật là đang gặp khó những gì để tìm cách tháo gỡ. Ông Phước đưa ra ví dụ: Nếu một DN nhỏ vay khoảng 200 tỉ đồng với lãi suất 17%/năm thì mỗi tháng DN đó phải đóng lãi gần 3 tỉ đồng. “DN nào dùng số vốn lưu động trong kinh doanh để đầu tư vào các ngành nghề khác thì càng dễ “kẹt” giống như những gì mà Bianfishco đã làm” - ông Phước nói.
Các doanh nghiệp than phiền rằng muốn xây dựng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP thì cần số vốn khá lớn (hơn 6 tỉ đồng/ha ao nuôi cá). Ngoài ra, họ đang chịu áp lực lớn vì người nuôi cá muốn được thanh toán tiền nhanh trong khi nguồn vốn thu về từ nhà nhập khẩu lại rất chậm.
Kỳ tới: Bên bờ phá sản
Bình luận (0)