Ngày 3-4, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng, dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ tại Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Tại cuộc họp, lãnh đạo VICEM cho biết giá xi-măng của Việt Nam đang thấp hơn so với khu vực và cũng ở mức thấp nhất của thế giới, dẫn đến lợi nhuận trên mỗi tấn xi-măng rất thấp. Tuy nhiên, năm 2017, VICEM sản xuất 19,3 triệu tấn xi-măng, tiêu thụ 26,6 triệu tấn. Doanh thu đạt 34.100 tỉ đồng, dù chỉ bằng 94,7% năm 2016 nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 7,1%, đạt 2.850 tỉ đồng.
Tổ Công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn đầu làm việc tại VICEM ngày 3-4 Ảnh: NHẬT BẮC
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả đạt được trong sản xuất, kinh doanh năm 2017 như đi đầu trong ứng dụng các công nghệ mới, tận dụng điện năng, thay thế các nhiên liệu hóa thạch, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị… Nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu VICEM giải trình, làm rõ thêm về một số vấn đề. Cụ thể, Thủ tướng rất quan tâm tới tỉ trọng đóng góp của ngành xi-măng, trong đó trụ cột là VICEM, với tăng trưởng của đất nước. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng năm 2017 đạt 8,7% nhưng tăng trưởng của ngành xi-măng chỉ đạt khoảng 2%, đóng góp còn ở mức độ khiêm tốn. Đặc biệt, vấn đề tổ chức bộ máy, công tác quản trị, sắp xếp lao động, hướng tới hiệu quả và tiết kiệm nhân công, nguồn lực, tinh giản nhân lực của VICEM.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý về công tác quản trị của VICEM, làm sao phải có chiến lược phát triển lâu dài, tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên cho đất nước, sử dụng hết các sản phẩm phụ. "Núi đá vôi có hạn, nếu không bảo đảm được nguyên liệu cho sản xuất lâu dài thì rất lãng phí. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý VICEM phải có giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và đây cũng là vấn đề của cả ngành xi-măng" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Giá bán rẻ mạt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, TS Nguyễn Đình Cung, cũng lo ngại về xi-măng tăng sản lượng đồng nghĩa với đất nước mất tài nguyên, nhất là mức cung vượt cầu. "Hiện giá xi-măng Việt Nam rẻ hơn các nước thì cũng phải xem lại, phải chăng chúng ta đang sử dụng tài nguyên với mức giá rẻ mạt. Xuất khẩu xi-măng sang các nước mà giá chỉ bằng 1/2 so với Thái Lan, Indonesia thì rõ ràng đang bán rẻ tài nguyên" - ông Cung lo ngại.
Đồng tình, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Trần Đình Thiên, băn khoăn đối với những ngành khai thác tài nguyên như xi-măng là có sự đánh đổi càng lớn. "Tôi đi nhiều nước thấy xu hướng đóng cửa nhà máy xi-măng; trong khi ở Việt Nam, các nhà máy lại phát triển tưng bừng. Việc này đương nhiên phấn khởi với ngành xi-măng, còn đất nước thì có nên phấn khởi không?" - ông Thiên đặt vấn đề.
Về giá bán chỉ bằng 1/2 các nước mà vẫn phải "bấm bụng" xuất khẩu xi măng, ông Trần Đình Thiên cho rằng đây là nghịch lý chung của cả ngành xi măng. "Tôi chưa thấy một chiến lược khôn ngoan ở đây. Giá clinker rẻ như vậy mà sao Việt Nam xuất khẩu tới 12-13 triệu tấn/năm, trong khi xuất xi-măng chỉ 1,5 triệu tấn. Như thế nghĩa là ta đang bán tài nguyên thô, đang đào tài nguyên lên bán chứ được gì?" - ông Thiên thẳng thắn.
Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong 18 nhiệm vụ được giao từ đầu năm 2017 tới nay, VICEM đã hoàn thành 16 nhiệm vụ, còn 2 nhiệm vụ đang thực hiện. Trong đó, cần thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa, tái cơ cấu bằng mọi biện pháp tích cực nhất. "Phải thay đổi cơ cấu sản xuất như hiện nay đang xuất khẩu theo tỉ lệ 70% clinker, 30% xi-măng thành phẩm thì phải đảo ngược lại, thậm chí mua cả clinker để sản xuất xi-măng. Như Thủ tướng đã chỉ đạo là không tăng sản lượng dầu thô vì tăng trưởng kinh tế nếu giá dầu thấp. Tăng trưởng phải bền vững, hiệu quả. Không lấy sản lượng làm mục tiêu mà phải bảo đảm hiệu quả cuối cùng" - ông Mai Tiến Dũng nhắc nhở.
Giá xi-măng Việt Nam không quá thấp
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho hay theo quy hoạch, các dây chuyền sản xuất xi-măng sẽ được giữ ổn định, không tăng thêm, trừ khả năng mở rộng nhà máy xi-măng Hoàng Mai, tức là đến năm 2025, dự kiến sẽ giữ nguyên số lượng 82-85 dây chuyền. Những dây chuyền có công suất dưới 1 triệu tấn xi-măng/năm cũng sẽ dần chuyển đổi, không giữ lại. "Giá thành xi-măng của VICEM so với các nhà sản xuất trong nước tương đối hấp dẫn, tương đương mặt bằng các nước trong khu vực chứ không phải quá thấp" - ông Khánh trấn an.
Bình luận (0)