Tái cơ cấu kinh tế không thể bỏ qua lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Thốt Nốt
Đầu tư nhiều, thất thoát lớn
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, cả nước hiện có khoảng 66.000 dự án đầu tư công với nhu cầu vốn khoảng 22.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 70% vốn do địa phương quản lý và quyết định đầu tư cần có sự chấp thuận của Trung ương. Điều đáng lo ngại, theo TS Lê Đăng Doanh, là quyết định chấp thuận đầu tư thường được dựa trên các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động vốn, trong khi các tiêu chuẩn về hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội chưa được quy định chặt chẽ và chưa có hiệu lực ràng buộc về pháp lý.
Thực tế, Việt Nam đang xây dựng 20 cảng biển quốc tế, xây dựng và mở rộng 23 sân bay dân dụng (trong đó có 8 sân bay quốc tế), 18 khu kinh tế biển, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp. Trong thời gian từ năm 2001-2010, đã phê duyệt thành lập 307 trường ĐH, học viện và hiện nay Việt Nam có tổng cộng 409 trường ĐH, CĐ, học viện; bình quân mỗi tỉnh có tới 6 trường.
“Tất cả các dự án này đều được Trung ương quyết định. Nó nói lên rất nhiều điều. Đầu tư công quá dàn trải và đã trở thành sản phẩm của cơ chế xin-cho, trong đó cả 2 phía đều có lợi ích chung và lợi ích nhóm, có hiện tượng “đi có-về có, đi không-về không” hay “gửi dự án” - TS Lê Đăng Doanh nói. Vì những lý do này, theo ông Doanh, đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát lên tới 20%-30%. Nhiều công trình rơi vào cảnh bết bát, không hiệu quả, không đúng tầm so với số tiền bỏ ra…
Về vấn đề này, TS Võ Đại Lược (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) cho biết hầu như dự án nào địa phương trình lên cũng được Trung ương phê duyệt. “Chúng ta có quá nhiều sân bay, cảng biển, khu kinh tế cửa khẩu, trường ĐH… và đó là sự lãng phí rất lớn. Những điều này dẫn tới thâm hụt ngân sách, nợ công cao. Thế mà 3 tháng đầu năm 2012, đầu tư công vẫn tăng” - ông Võ Đại Lược băn khoăn.
TS Lê Đăng Doanh khẩn thiết đề nghị đã tới lúc phải có Luật Đầu tư công, Luật Mua sắm công và bổ sung quy định về mối quan hệ giữa địa phương và Trung ương theo hướng tăng cường chế độ chịu trách nhiệm cá nhân khi phê duyệt các quyết định đầu tư.
Cần một ủy ban chuyên trách tái cơ cấu
Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh thẳng thắn đánh giá việc cơ cấu lại nền kinh tế được xem là không dễ. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh: Nếu bàn đến tái cơ cấu nền kinh tế mà không bàn đến chuyện tái cơ cấu lợi ích trong xã hội thì sẽ không thực hiện được. Bởi vì điều quyết định cuối cùng sự thành bại của tái cơ cấu vẫn là lợi ích.
Theo TS Võ Đại Lược, nếu vẫn giữ quan điểm kinh tế Nhà nước là chủ đạo thì khó tái cơ cấu. Ông Võ Đại Lược lý giải: Tái cơ cấu là tạo ra sự thay đổi, nếu thay đổi mà vẫn dựa trên quan điểm cũ thì không thể có kết quả. “Những đề án tái cơ cấu do các bộ, ngành soạn thảo mà tôi được xem đều không đạt. Không đạt nhưng không trách được họ bởi họ làm dựa trên cơ sở quan điểm đã có chứ không thể làm trên cơ sở quan điểm mới. Nếu thực sự muốn tái cơ cấu, chúng ta cần phải bàn luận lại các quan điểm phát triển thì mới hy vọng tái cơ cấu thực sự” - TS Lược bày tỏ.
Đồng quan điểm, TS Trần Đình Thiên cho rằng phải đi tìm cái mới nhưng cái mới đó là gì thì vẫn chưa được làm rõ, thỏa đáng. “Cái mới ấy phải bảo đảm 10 năm, 20 năm nữa, nền kinh tế Việt Nam không rơi vào thu nhập trung bình, phải giúp nền kinh tế thoát khỏi quá khứ, đến đích tương lai, chứ không thể vài năm lại quay về trạng thái cũ” -TS Trần Đình Thiên phân tích.
Cần chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn TS Trần Đình Thiên cho rằng tái cấu trúc nền kinh tế không phải chỉ trên 3 lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống tài chính - ngân hàng. Việc chưa đụng chạm tới khu vực nông nghiệp, nông thôn là chưa ổn và việc này sắp tới sẽ phải có những thay đổi. “Các vụ việc gần đây cho thấy vấn đề đất đai đang rất nóng, rất bức xúc ở các địa phương, đặc biệt là nông thôn mà nếu không được xử lý, tái cơ cấu thì sẽ ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác nữa” - ông Trần Đình Thiên nhận định. |
Bình luận (0)