Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có hơn 3.400 ha mía; dự kiến đến năm 2020, mở rộng lên 5.000 ha. Xác định mía là một trong những cây trồng chủ lực của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Ninh Thuận đã chọn 2 huyện Bác Ái, Ninh Sơn để xây dựng cánh đồng lớn trồng loại cây này, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường trong và ngoài tỉnh.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho biết để đạt mục tiêu đề ra, từ hơn 3 năm qua, ngành nông nghiệp đã đưa kỹ thuật canh tác mía theo công nghệ cao từ khâu chọn giống, sử dụng phân bón, tưới nước, chăm sóc…, đến các hộ đồng bào Raglai, Chăm, từng bước thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của bà con. Theo đó, Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con theo từng niên vụ mía như ứng vốn cải tạo đất, cung cấp phân bón, cam kết bảo hiểm giá mía khi thu hoạch...
Bà con dân tộc Raglai ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận có thu nhập khá từ mô hình cánh đồng lớn
Ông Chamaléa Tin (xã Phước Thắng, huyện Bác Ái) bộc bạch: "Gia đình có 2 ha mía, trước đây, năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 60 tấn/ha/vụ. Từ ngày tham gia cánh đồng lớn, được cán bộ khuyến nông chỉ cách canh tác, năng suất tăng lên gần 80 tấn/ha/vụ. Bà con mừng lắm".
Ông Huỳnh Hữu Thanh, người có thâm niên gần 10 năm trồng mía, đã liên kết với 10 nông dân Raglai ở xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, xây dựng cánh đồng mía 150 ha. Từ niên vụ mía 2014-2015, ông Thanh được Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang hỗ trợ mua máy đa năng phục vụ sản xuất, nhờ vậy giảm chi phí nhân công; lợi nhuận của mỗi thành viên của nhóm liên kết đạt từ 70-80 triệu đồng/năm. Riêng ông Thanh, với vai trò "đứng mũi chịu sào" nên thu nhập khá hơn, trên 100 triệu đồng/năm.
Từ khi là thành viên cánh đồng mía lớn, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn có thu nhập ổn định trên dưới 50 triệu đồng/năm. Sau mỗi vụ mía, bà con còn tận dụng ngọn và lá làm thức ăn cho trâu, bò, đỡ tốn tiền mua rơm rạ.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Thuận Bắc, nhìn nhận nhờ tham gia trồng mía trên cánh đồng lớn, nhiều hộ bà con Raglai của địa phương có thu nhập khá, tích lũy được chút vốn để mua bò, dê nuôi, phát triển kinh tế gia đình. "Hiện đa phần số hộ tham gia cánh đồng lớn đã khá giả. Đây là điều rất đáng mừng" - ông Mười nói.
Chủ tịch UBND huyện Bác Ái Mẫu Thái Phương đánh giá từ sau khi mô hình cánh đồng mía lớn được triển khai thí điểm với diện tích khoảng 500 ha vào năm 2014, nông dân đã mạnh dạn tham gia tổ, đội liên kết sản xuất và đã thành công. Địa phương đang đưa thêm khoảng 300 ha đất hoang hóa ở xã Phước Thắng vào chương trình cánh đồng mía lớn. Theo đó, ngành NN-PTNT đang cải tạo, nâng cấp một số hệ thống kênh mương, tưới tiêu để có thể sản xuất vào năm 2018. Về phía đơn vị tiêu thụ sản phẩm là Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang cũng đề ra chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho số hộ trồng mía đầu tư hệ thống tưới bằng năng lượng mặt trời; tưới nhỏ giọt; mua sắm máy kéo và thiết bị nông nghiệp phục vụ sản xuất từ niên vụ mía 2017-2018.
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận nhận xét cánh đồng lớn trồng mía đã khẳng định hiệu quả. Mô hình này mở ra triển vọng mới cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực cho chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đất nắng gió cực Nam Trung Bộ này.
Công nghệ mới mang lại hiệu quả cao trong nông nghiệp
Công nghệ mới giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn, nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghiệp 4.0 và nhanh chóng phát huy hiệu quả là nhận định của nhiều đại biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề công nghiệp 4.0 trong sản xuất và chuỗi cung ứng - các xu hướng mới ứng dụng công nghiệp 4.0 trong kinh doanh do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức ngày 1-12 tại TP HCM.
Ông Nguyễn Ngọc Nhã Nam, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Minerva, cho biết tại Việt Nam đã có vài công ty ứng dụng công nghệ mới như tìm hàng hóa thông minh, nhận diện bằng hình ảnh ứng dụng trong ngành kiến trúc cho ra kết quả nhanh chóng và đơn giản, ứng dụng trong thiết kế nội thất. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm biết thời tiết để tưới tiêu, phân bón hợp lý. Trước đây, Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) có 300 cán bộ địa bàn, khi ứng dụng công nghiệp 4.0 giảm còn khoảng 30 người, giải tán bộ phận thống kê 40 cán bộ để chuyển sang làm công việc giám sát. Nhờ công nghệ mới, công ty tiết kiệm được 30% chi phí sản xuất, làm lợi cả trăm tỉ đồng mỗi năm. N.HẢI
Bình luận (0)