Điểm thu mua của bà Thu, ấp 5, xã Gia Canh mỗi ngày mua khoảng một tấn lá. Ảnh: Hoàng Trường
Ngày 5-1, tại điểm mua lá điều khô của bà Nguyễn Thị Thu, ấp 5, xã Gia Canh tấp nập người mua bán. Trẻ em đèo xe đạp, người lớn chở xe máy, một số người dùng luôn xe ba gác chở nhiều bao lá điều đến bán cho thương lái.
Ông Vũ Mạnh Dương, Phó chủ tịch UBND xã Gia Canh, huyện Định Quán, cho hay lá điều được người dân gom tại rẫy ở nhà hoặc được chủ vườn cho thu gom rồi đem bán với giá 1.200 đồng mỗi kg. Toàn xã có 4 điểm thu mua hoạt động được hơn một tháng nay.
Nhiều người nông nhàn thì coi việc nhặt lá đem bán là một công việc có thu nhập khá hiện nay. "Gần đến mùa thu hoạch trái điều, thay bằng chủ vườn thuê người dọn đốt cho sạch thì chúng tôi xin gom lại đem bán, một ngày cũng kiếm gần 200.000 đồng tiền lá" - chị Trần Thị Hạnh (ấp 3, xã Gia Canh) cho biết.
Theo bà Thu thì điểm thu mua của bà hoạt động hơn tháng nay, mỗi ngày gom được khoảng một tấn lá, đến nay có chừng 40 tấn lá đang chờ chủ hàng đến chở. "Tôi được một công ty ở TP HCM thuê thu mua để về ủ làm phân bón với tiền công 150.000 đồng mỗi ngày chứ cũng không biết quy trình sản xuất của họ thế nào" - bà Thu nói.
Nhiều người dân thu gom lá ở vườn bất chấp việc làm này có thể gây hại rất nhiều cho cây trồng. Ảnh: Hoàng Trường
Trước đó, hồi cuối năm 2012, cũng tại huyện này, người dân đổ xô thu gom lá điều khô đem bán hàng trăm tấn mà không biết thương lái mua để làm gì. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Dòn - Trưởng trạm khuyến nông huyện Định Quán - cho biết việc thu mua lá điều khô hoặc cây giá tỵ xuất hiện lâu nay trên địa bàn theo chủ hàng trình báo là sản xuất phân bón.
"Việc thu gom lá điều khô ở vườn sẽ không tốt cho việc sinh trưởng của cây trồng, hoạt động này pháp luật không cấm nên chúng tôi chỉ biết khuyến cáo cho người dân tác hại mà thôi" - bà Dòn nói.
Bình luận (0)