Đây là thông tin được ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), chia sẻ tại "Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023" vừa diễn ra ngày 4-1.
Theo đó, hoạt động thanh toán điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh trong năm 2022 với tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua NAPAS tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021. Đáng chú ý, năm 2022 tiếp tục ghi nhận tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022. Tỉ trọng giao dịch thẻ chip thực hiện qua hệ thống NAPAS tiếp tục tăng từ 26% năm 2021 lên đến hơn 60% năm 2022.
"Dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR cũng có sự tăng trưởng ấn tượng sau hơn 1 năm ra mắt, thanh toán bằng mã VietQR đã trở thành một trong các hình thức thanh toán phổ biến và được thị trường đón nhận vì sự thuận thiện, đơn giản và chi phí thấp" – ông Nguyễn Quang Minh nói.
Rút tiền mặt tại ATM giảm mạnh
Riêng đối với chương trình miễn, giảm phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ, tổng phí NAPAS đã giảm cho các tổ chức thành viên trong năm 2022 đạt 1.743 tỉ đồng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đánh giá việc tiếp tục giảm tỉ trọng giao dịch rút tiền mặt so với tổng các giao dịch và tăng về tỉ trọng xử lý thẻ chip nội địa qua hệ thống NAPAS trong năm 2022 là "những con số biết nói", cho thấy sự phát triển trong hoạt động của NAPAS. Đây còn thể hiện các ngân hàng đang dịch chuyển dần sang thẻ chip.
Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị
"Việc thúc đẩy triển khai thanh toán cho 7 nhóm dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và tăng cường kết nối thanh toán quốc tế với một số quốc gia cũng là một điểm sáng trong hoạt động của NAPAS trong năm 2022" - Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng nhận xét, và yêu cầu NAPAS quan tâm hơn tới công tác phòng chống rửa tiền, quản lý rủi ro giao dịch gian lận giả mạo, giảm thiểu thiệt hại cho người dân trước các đối tượng lừa đảo. Tiếp tục thúc đẩy triển khai thanh toán dịch vụ công cả về số lượng dịch vụ lẫn số người dùng, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm như y tế và giáo dục.
Chủ tịch HĐQT NAPAS Nguyễn Quang Hưng cho biết sẽ chủ động và phối hợp chặt chẽ cùng các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán, đối tác trong nước và quốc tế xây dựng và phát triển hệ sinh thái thanh toán số đa dịch vụ, đa tiện ích, góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện, hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, quốc gia số.
Bình luận (0)