Đó là một trong những vấn đề được đại diện các tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn ở khu vực ĐBSCL đưa ra tại phiên họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo Sản xuất và Tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL ngày 21-8.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đến nay, diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.154 ha, tăng gần 600 ha so với cùng kỳ năm trước. Đến giữa tháng 8, sản lượng thu hoạch là 457.000 tấn. Sản lượng cá thu hoạch trong 8 tháng liên tục tăng với tốc độ trung bình 13,5%. Tính đến ngày 15-7, cả nước đã xuất khẩu được 294.800 tấn cá tra sang 120 thị trường trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đạt 667,6 triệu USD, giảm 2,7% về khối lượng và 3,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Nguyên nhân do nhiều nước dựng lên các rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu và giảm giá.
Những thông tin về việc cấp mã số mã vạch cá tra làm nhiều địa phương phấn khởi, tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện vẫn không được như mong đợi. “Việc cấp mã số mã vạch, ai là người đứng ra hướng dẫn địa phương thực hiện? Tiến độ có thể hoàn thành đúng như kế hoạch vào cuối tháng 9 hay không?” - một đại biểu thắc mắc. Bà Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cho biết thêm: “Phía châu Âu yêu cầu phải có truy xuất vùng nuôi, xây dựng chuỗi liên kết giữa vùng nuôi với nhà máy sản xuất. Trong khi đó, chúng ta vẫn còn loay hoay chuẩn bị”.
Theo các đại biểu, hiện nay, người nuôi cá tra vẫn gặp khó khăn vì thiếu vốn, trong khi đó ngân hàng lại đang thu hẹp cho vay. Thêm nữa là vấn đề thức ăn. Theo kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ, nên đưa thức ăn thủy sản vào danh mục quản lý giá và chất lượng. Vì giá thức ăn thủy sản gần như không kiểm soát được. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Phòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, một số hộ nuôi cá ở tỉnh này đang hết sức vất vả vì con giống. Tỉ lệ chết từ 30% – 40% làm ảnh hưởng đến giá thành và vệ sinh môi trường.
Những tồn tại trên đã làm giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu tăng cao. Với mức giá dao động từ 14.500 – 17.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước từ 300 – 1.500 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn không có lãi. “Với giá cá như hiện nay, những nông dân nuôi với quy mô nhỏ vẫn còn lỗ khoảng 500 đồng/kg, còn hộ nuôi quy mô lớn thì hòa vốn”- bà Trần Thị Thu Nga khẳng định.
Thẳng tay với doanh nghiệp vi phạm Theo các đại biểu, việc các nước nhập khẩu mượn nhiều lý do để làm khó, cấm nhập hoặc hạn chế nhập khẩu cá tra của VN một phần cũng do các doanh nghiệp (DN). “Vì khâu giám sát chất lượng sản phẩm tại một số nhà máy không được tốt nên họ có lý do để làm khó. Con sâu làm rầu nồi canh. Cần phải xử lý nghiêm vấn đề này”- một đại biểu nói.
|
Bình luận (0)