Cách đây một năm, tháng 4-2016, giá heo hơi đạt mức xấp xỉ 50.000 đồng/kg, sau đó giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức trên 40.000 đồng/kg, người chăn nuôi có lãi. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016, giá heo hơi bắt đầu lao dốc xuống dưới giá thành, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục khiến người chăn nuôi điêu đứng. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc kiểm soát chặt nhập khẩu tiểu ngạch dẫn đến cung vượt cầu.
Hết sức bi đát
Hiện tại, nhiều lô heo quá lứa (trên 120 kg/con) ở Đồng Nai, vùng chăn nuôi heo lớn nhất cả nước, chỉ còn dưới 25.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ từ 1-1,5 triệu đồng/con.
Chiều 13-4, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết vừa kết thúc chuyến khảo sát thực tế các hộ, trang trại chăn nuôi trên địa bàn, tình hình hết sức bi đát. Việc phá sản của người chăn nuôi không phải là nguy cơ mà đang diễn ra ở những hộ nuôi nhỏ, ít vốn. Có những người năm ngoái mua heo nái giống khoảng 75.000 đồng/kg nay bán tống bán tháo để cắt lỗ chỉ từ 12.000-14.000 đồng/kg. Nhiều đại lý cám vỡ nợ 25-55 tỉ đồng do ảnh hưởng dây chuyền từ khủng hoảng giá heo. Những trại nuôi lớn, vốn mạnh thì đang chịu lỗ từ 1-1,5 tỉ đồng/chu kỳ nuôi. “Tháng 2-2012, ngành nuôi heo từng rơi vào khủng hoảng nặng nề nhưng giá heo hơi khi đó cũng ở mức 35.000 đồng/kg, chưa bao giờ xuống mức 25.000 đồng/kg như hiện nay. Như vậy, giá heo hơi chỉ bằng 2/3 so với giá thành. Nghịch lý là dù giá đầu ra đang ở mức đáy nhưng vật tư đầu vào như một số loại thuốc thú y lại tăng, thức ăn chăn nuôi đứng trong khi giá nguyên liệu lại giảm. Doanh nghiệp họ không chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi” - ông Đoán chua chát.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ cơ sở giết mổ heo Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết giá heo hơi đang ở mức rất thấp nhưng lượng heo đưa về giết mổ vẫn không giảm mà giữ ổn định ở mức khoảng 4.000 con/ngày (chiếm 50% tổng lượng heo giết mổ trên địa bàn TP). “Giá heo hơi xuống quá sâu, thương lái lại không gọi được nên nhiều chủ trại ở Đồng Nai phải trực tiếp chở heo xuống lò để thuê mổ gia công rồi đem ra chợ đầu mối bán. Mỗi trường hợp đưa xuống từ 40-50 con. Đây là tình huống chưa từng có trước giờ” - bà Thắm nhận xét.
Xuất khẩu chính ngạch còn xa vời vợi!
Trước tình hình trên, Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một số giải pháp để giải cứu đàn heo như: tổng rà soát lại đàn heo trên cả nước, kiến nghị các tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi, tìm cách hạ giá thành vật tư đầu vào, tổ chức tạm trữ và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu heo chính ngạch đi Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, nếu đàn gà công nghiệp có thể giảm đàn trong 1 tháng bằng việc ngưng ấp trứng thì đàn heo cần tới 1 năm mới giảm được. Tính từ khi giá heo hạ vào tháng 12-2016 đến nay vẫn còn 8 tháng để giải quyết hết lượng heo dôi dư. Do vậy, lượng cung vượt cầu đang rất lớn. Nếu tính ở thị trường tiêu thụ lớn nhất là TP HCM, lượng dư ra khoảng 20-30 tấn/ngày, cả nước có thể lên đến 150 tấn/ngày (dựa vào lượng heo trước đây xuất tiểu ngạch đi Trung Quốc khoảng 15.000 con/ngày nhưng nay bị ngưng). “Hiệp hội chúng tôi đã tranh luận rất nhiều về giải pháp tạm trữ. Trong đó, lo nhất là đầu ra sau 8 tháng, lo cả về chất lượng lẫn giá bán. Bởi khi ấy, heo từ Đan Mạch, Hà Lan giá rẻ tràn về thì người chịu trách nhiệm tạm trữ “chết chắc”. Xét cho cùng, đây cũng là cơ hội kinh doanh nhưng phần thắng dưới 50% nên mọi người đều rất lo” - ông Đoán nói.
Về giải pháp xuất khẩu heo chính ngạch sang Trung Quốc, ông Đoán cho rằng đây là chuyện tương lai vì thực tế chất lượng heo của Việt Nam chưa đạt chuẩn. “Vừa qua Trung Quốc chỉ tạm ngưng nhập khẩu từ Brazil sau sự cố “thịt bẩn” vài ngày nhưng họ vẫn không chọn nguồn heo thay thế từ Việt Nam. Để xuất khẩu chính ngạch đi nước này, ngành chăn nuôi Việt Nam phải cải thiện rất nhiều trong khi chúng ta còn quá nhiều người nuôi nhỏ lẻ không đạt chuẩn” - ông Đoán phân tích.
Trong khi đó, ông Văn Đức Mười, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Vissan, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, cho rằng chuyện giải cứu giá heo có thể thực hiện nhưng phải song song giải quyết tình hình trước mắt, đồng thời phải có kế hoạch lâu dài để không bị lặp lại chuyện thừa mứa.
Theo ông Mười, trước hết cần thống kê được tổng đàn và không cho phát sinh mới. Các chính sách hỗ trợ nên xác định đối tượng là người chăn nuôi lẻ, các HTX còn các doanh nghiệp thì họ phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Nhà nước nên chọn lọc để quyết định cần giữ lại giống heo nào, loại nào không cho giữ lại, đồng thời hỗ trợ cho người chăn nuôi loại thải để nâng chất đàn heo. Ngoài ra, nhà nước cũng cần có quy hoạch tổng đàn để khống chế số lượng, không để mạnh ai nấy làm. “Ở các nước, nếu anh được cấp phép 1.000 con, anh nuôi vượt thì phải chịu thuế bảo vệ môi trường gấp 10 lần. Với xuất khẩu, khi nào mở được thị trường mới mở rộng chăn nuôi” - ông Mười dẫn chứng.
Giết mổ, cấp đông để đưa vào tạm trữ
Về việc tạm trữ lượng heo thừa, theo ông Văn Đức Mười, giá heo trong nước hiện đang thấp hơn thế giới nên việc tổ chức giết mổ, pha lóc cấp đông để đưa vào chế biến cuối năm rất khả thi. Cụ thể, giá heo hơi thế giới đang ở mức 3,2 USD/kg trong khi Việt Nam chỉ từ 1,6-1,7 USD/kg, giá heo nhập đang 75.000 đồng/kg, không cạnh tranh so với giá heo nội. “Do đó, việc cần làm là đánh giá lại năng lực giết mổ, cấp đông và nhu cầu sử dụng (chủ yếu là các đơn vị chế biến thực phẩm) để thông qua những đơn vị này hỗ trợ cho nông dân” - ông Mười đề nghị.
Bình luận (0)