Ở giữa lòng TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) còn bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân (56 tuổi) vẫn bám trụ với nghề gần 30 năm.
"Tôi lớn tuổi rồi. Làm cái nghề này cực khổ lắm nhưng đã trót đam mê, muốn giữ lại hồn cốt của lồng đèn truyền thống nên không muốn bỏ nghề", bà Ngân đang ngồi chuốt trúc thổ lộ.
Đam mê
Bà Ngân kể, thời còn học sinh tiểu học được ba tự tay làm cho chiếc lồng đèn ông sao nên bà thích, nhớ mãi kỉ niệm. "Những năm học cấp 1, cấp 2 nhà trường tổ chức thi làm lồng đèn. Kể từ đó, tôi bắt đầu thích thú với lồng đèn truyền thống, và không thể nào quên được kí ức tuổi thơ đã từng gắn với chiếc lồng đèn", bà Ngân nhớ lại kỉ niệm.
Bà Ngân đang chuốt trúc làm khung sườn lồng đèn
Sau này, bà Ngân tự tay làm ra những chiếc lồng đèn nho nhỏ tặng cho những người đến mua bánh trung thu, nhiều người khen đẹp. Vậy là từ những câu chuyện đó, bà bắt đầu đến với nghề làm lồng đèn thủ công cho đến tận ngày hôm nay.
Khoảng năm 1991, bà Ngân bắt đầu đến với nghề làm lồng đèn để thỏa lòng đam mê và kinh doanh. Những năm đầu mới vào nghề, bà chỉ làm hơn 100 cái, bán cho mùa Tết Trung thu, chủ yếu là lồng đèn hình ông sao. Dần dà về sau, nhiều khách hàng ưa chuộng nên bà bắt đầu sáng tạo ra nhiều mẫu lồng đèn như hình con cá, bướm, thuyền…, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Chiếc lồng đèn hình con cá khi hoàn chỉnh có giá vài trăm ngàn đồng
Bà Ngân cho biết, cuộc sống ngày càng hiện đại, lồng đèn điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc bán trên thị trường đã lấn át lồng đèn truyền thống. Có lúc, bà muốn bỏ nghề những vẫn bám trụ. "Nhiều cơ sở làm lồng đèn truyền thống trong cả nước bỏ nghề, còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với lại, nghề làm lồng đèn thủ công cực khổ nên họ rẽ sang hướng phát triển khác", bà Ngân tâm sự.
Những năm về trước, có người thân trong gia đình phụ bà Ngân làm lồng đèn. Theo dòng thời gian, họ tìm đến công việc khác nên chỉ còn lại một mình bà cặm cụi làm tất cả các công đoạn như đi tìm mua trúc, chẻ trúc, chuốt trúc, nứt khung, dán kiếng... "Nghề làm lồng đèn thủ công không quá khó nhưng chỉ sợ dằm, dây chì đâm thủng ngón tay, chảy máu, có khi làm độc", bà Ngân chia sẻ.
Nhìn đôi bàn tay của bà Ngân đang thực hiện các công của một chiếc lồng đèn truyền thống, chúng tôi nhận thấy nó hiện rõ sự chai sạm theo dấu tích gần 3 thập kỷ qua. Rồi bà rôm rả: "Bàn tay tôi giờ nó nát như tương rồi chú ạ!". Cứ nghĩ, công việc làm lồng đèn đáng lẽ dành cho các đấng mày râu nhưng lại thuộc về người phụ nữ vốn "chân yếu tay mềm", nhưng bà Ngân nói: "Vì tôi đam mê nghề chú ạ!".
Bà Ngân cho biết hằng năm, cứ qua Tết Nguyên đán là bà bắt đầu làm các công đoạn của chiếc lồng đèn cho đến ngày Tết Trung thu mới có đủ sản phẩm bán. "Gần tới ngày Tết Trung thu là nôn nao đi làm lồng đèn, thu nhập không thành vấn đề. Có lúc, tôi thức từ 5 giờ sáng làm đến tận khuya. Làm bằng lòng đam mê rồi cũng quên đi cái mệt", bà Ngân bộc bạch.
Giữ nghề
Năm 1996, lồng đèn điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc tung ra thị trường rầm rộ, thu hút nhiều khách hàng đã khiến cho lồng đèn truyền thống bị "lép vế". Thời điểm đó, lồng đèn của bà Ngân làm ra, bán ế ẩm, chỉ bán được theo đơn đặt của trường học. Nhưng bà không nản lòng mà hằng năm cứ sắp đến Tết Trung thu vẫn tiếp tục làm duy trì với số lượng giảm, nhằm níu giữ cái nghề đã ăn sâu vào tâm trí.
Gian nhà của bà Ngân treo lơ lửng lồng đèn đủ màu sắc
Những ngày tháng 8, chúng tôi chạy xe trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2 (TP Cao Lãnh) thấy cảnh treo lồng đèn lơ lửng trong căn nhà của bà Ngân đủ kiểu, đa màu sắc làm cho không khí Tết Trung thu đang đến rất gần, khiến cho mấy em nhỏ thêm nao lòng. Mỗi khi, chúng tôi chạy xe ngang, nhìn vào con hẻm là thấy bà Ngân đang cặm cụi chuốt trúc, tạo khung, dán kiếng… để thành phẩm chiếc lồng đèn phục vụ trẻ thơ. "Năm nay, tôi làm khoảng 400 cái lồng đèn. Mỗi chiếc lồng đèn được làm tỉ mỉ, sắc sảo bán với giá từ 50.000 - 400.000 đồng. Có cái lồng đèn khách đặt hàng lên đến hơn 1 triệu đồng", bà Ngân vừa thao tác dán giấy kiếng vừa nói.
Có lẽ, ngày nay trên địa bàn TP Cao Lãnh chỉ còn bà Ngân làm lồng đèn truyền thống với số lượng nhiều nhất, góp phần giữ lại nét truyền thống. "Có người hồi nhỏ được mẹ dắt đi mua lồng đèn của tôi. Khi lớn lên có chồng, có con cũng chở con lại chỗ tôi mua lồng đèn", bà Ngân nhớ lại.
Để "giữ chân" khách hàng, bà Ngân sáng tạo ra lồng đèn hình bông sen, bé sen. Sáng tạo này của bà với thông điệp mang nét đặc trưng vùng đất Sen hồng Đồng Tháp. "Giờ điều kiện kinh tế ổn định nhưng mục đích của tôi là làm lồng đèn vừa có thêm thu nhập vừa giữ lửa nghề, và giúp những đứa trẻ cần nhớ đến kí ức tuổi thơ", bà Ngân tâm sự.
Theo dòng chảy thời gian, cơ sở làm lồng đèn truyền thống của bà Ngân được nhiều khách hàng biết đến, ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Bé Bảy (ngụ phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh), cho biết: "Năm nào gần tới Tết Trung thu là tôi chở con đến chỗ chị Ngân mua lồng đèn truyền thống".
Anh Trần Chí Hữu (ngụ phường 4, TP Cao Lãnh), chia sẻ: "Lồng đèn điện từ bán rất nhiều nhưng gia đình tôi không mua cho con. Một phần là muốn con mình lưu lại kí ức tuổi thơ bằng lồng đèn truyền thống; lồng đèn xuất xứ Trung Quốc làm bằng các chất tái chế có khi gây độc hại cho trẻ nhỏ. Đây là hai lý do tôi tìm đến tiệm lồng đèn của chị Ngân mua".
Chúng tôi nghĩ, chỉ có niềm đam mê mãnh liệt thì bà Ngân mới giữ được nghề làm lồng đèn truyền thống lâu đời đến như vậy!
Bình luận (0)