Với sự năng động, sáng tạo, nhiều bạn trẻ mạnh dạn xây dựng những mô hình F&B mới, tạo hướng đi riêng.
Không ngại khó, ngại khổ
Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, Cao Văn Quyền (24 tuổi) phải nghỉ học sau khi tốt nghiệp THPT vì gia cảnh khó khăn. Ngày rời quê vào TP HCM tìm tương lai, chàng thanh niên 18 tuổi chỉ có vỏn vẹn vài bộ đồ và 2 triệu đồng cha mẹ cho.
Đến nơi, Quyền lao vào mưu sinh. Ban ngày, anh đi bốc vác thiết bị xây dựng, tối về phục vụ quán. Đồng lương khiêm tốn, Quyền thắt lưng buộc bụng tiết kiệm tối đa.
Một năm rưỡi sau, dành dụm được ít tiền, Quyền đăng ký học Trường CĐ Xây dựng TP HCM. Anh tranh thủ chạy xe công nghệ kiếm thêm thu nhập. Nhưng chỉ sau 1 năm, vì không đủ tiền đóng học phí, anh lại nghỉ học.
Quyền kể trong lúc loay hoay chưa biết làm gì, may mắn có công ty nhận anh vào vừa làm vừa học nghề. Quyền chú tâm lĩnh hội kiến thức từ người đi trước và tự học thêm IT (công nghệ thông tin). Qua 6 tháng, anh đã nhận dự án đầu tiên.
Năm 2019, Quyền được tuyển dụng làm quản lý sàn thương mại điện tử cho một công ty kinh doanh thời trang, lương khởi điểm 10 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cuộc sống. Nhưng sau 8 tháng, chàng trai này khao khát thử thách giới hạn bản thân, đem lại giá trị lớn hơn cho cộng đồng nên quyết định nghỉ việc.
Sẵn đam mê ẩm thực, cộng thêm tình hoài hương, cuối năm đó, với số vốn ít ỏi và vay mượn ngân hàng thêm 140 triệu đồng, Quyền mở cửa hàng bán đặc sản quê. Mọi chuyện không suôn sẻ, cửa hàng vừa khai trương thì dịch bệnh ập đến. Nhiều đêm Quyền thức trắng, nghĩ cách giữ đứa con tinh thần đầu tiên. Anh nhanh chóng chuyển đổi hình thức bán trực tiếp sang trực tuyến, bán mang về, giao hàng tận nhà. Song, cửa hàng vẫn đành đóng cửa sau 3 tháng vì thua lỗ.
Quyền nhớ lại: "Lúc đó tôi rất buồn, hụt hẫng, thất vọng, tự hỏi mình có đi sai hướng không. Nhờ sự động viên, khuyên nhủ của người thân, tôi quyết tâm đứng dậy. Phải cố gắng thêm, thay đổi hoàn cảnh của bản thân, gia đình".
Quyền xốc lại tinh thần, tiếp tục công việc lập trình, tối làm tài xế xe công nghệ kiếm tiền trả nợ, nung nấu hướng khởi nghiệp mới. Sau 1 năm, anh trả hết nợ, cầm trong tay 50 triệu đồng mở quán cơm bình dân.
Quyền cho biết nhu cầu ăn uống ở khu vực đông người dân lao động là rất lớn nên dù không ít rủi ro, anh vẫn quyết định mạo hiểm lần nữa. "Tôi tự đi lựa từng nguyên liệu bảo đảm độ tươi ngon của thực phẩm, liên tục cải thiện chất lượng bữa ăn để hợp khẩu vị khách, đủ dưỡng chất mà không đắt đỏ" - anh nhớ lại.
Bên cạnh đó, từng chạy xe công nghệ, thấm thía bao vất vả của nghề này, Quyền mở nhiều ưu đãi cho các tài xế để họ có bữa ăn vừa túi tiền, no bụng, thơm lành, bồi bổ sức khỏe.
Quán cơm của Cao Văn Quyền (ảnh trái) và quán bún đậu của Nguyễn Nam Giang. Giới trẻ ngày càng quan tâm, đầu tư khởi nghiệp ngành ẩm thực. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Dám nghĩ, dám làm
Quyền nhận thấy thuận lợi của nền tảng online nên từ đầu đã tìm hiểu, bán trên mạng chứ không chỉ bán tại chỗ như kiểu kinh doanh truyền thống. Như nhiều người gen Z, anh có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh. Chỉ sau 1 tháng, hiệu quả rõ rệt, quán cơm có khoảng 150 đơn/ngày; doanh thu trung bình 300 triệu đồng/tháng.
Biết rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, lại phát huy ưu thế công nghệ, Quyền dần đưa quán đi vào ổn định. Anh cho hay: "Ẩm thực là ngành kinh doanh lâu đời nhưng vẫn là sân chơi tiềm năng nếu người trẻ biết làm mới và làm việc hết mình, không ngại khó, chịu học hỏi điều hay".
Trong khi đó, anh Nguyễn Nam Giang (28 tuổi, quê Yên Bái) thì khởi nghiệp với mô hình kinh doanh bún đậu mắm tôm - món ăn đậm phong vị miền Bắc. Khác với các món phở, bún bò, hủ tiếu..., bún đậu mắm tôm chưa thực sự có nhiều thương hiệu vận hành chuyên nghiệp.
Giang đã mạnh dạn cùng cộng sự gây dựng cơ sở kinh doanh, mang đến món ăn độc đáo, bảo đảm vệ sinh và hương vị hấp dẫn, trình bày đẹp mắt, phục vụ bài bản. Anh tiết lộ: "Chúng tôi tập trung vào xu hướng trải nghiệm ẩm thực của người trẻ, tận dụng tối đa các kênh tiếp thị số, ứng dụng công nghệ để bán hàng từ xa".
Sau 3 tháng ấp ủ ý tưởng, nghiên cứu thị trường, học hỏi từ những mô hình thành công khác, Giang bắt tay hiện thực hóa giấc mơ của mình. Anh "cày" có khi 20 giờ/ngày trong suốt 1 tháng để Bún đậu Yeda ra đời. Đến nay, thương hiệu này đã được nhiều thực khách ưa chuộng, không chỉ bởi chất lượng món ăn mà còn là giá trị cộng thêm về không gian mới mẻ, thoải mái, đội ngũ nhân viên trẻ trung, tận tâm...
Ở Việt Nam, thị trường ẩm thực giàu cơ hội nhưng cạnh tranh cũng khốc liệt, nhất là khi nhiều đơn vị F&B nước ngoài ngày càng mở rộng đầu tư, kinh doanh. Đáng mừng là một bộ phận thanh niên tràn đầy năng lượng, ham học hỏi, nhạy bén, luôn sẵn sàng dấn thân, góp phần làm nên bức tranh ngành ẩm thực nhiều dấu ấn của thế hệ trẻ.
"Tôi thích thử thách bản thân và không dễ từ bỏ. Nếu không thành công thì cũng là bài học và tiền đề để tôi khởi nghiệp tiếp" - anh Nguyễn Nam Giang khẳng định.
Bình luận (0)