Doanh nghiệp (DN) chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các mặt hàng thủy sản với gần 800 người lao động. Từ đầu tháng 4-2020, khi xuất hiện dịch Covid-19 trên thế giới và Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch bệnh trong nước, ban lãnh đạo công ty đã thành lập ban chỉ đạo phòng dịch với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, kịch bản và phân công bộ phận chuyên trách cập nhật tình hình nhằm ứng phó kịp thời.
Chủ động sớm
Nhờ vậy, trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh tại TP HCM vào đầu tháng 7 năm nay, DN chúng tôi đã có đầy đủ kịch bản ứng phó cũng như triển khai diễn tập thực tế các phương án xấu nhất có thể xảy ra.
Chúng tôi ý thức rõ ràng và đầy đủ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như rủi ro lây nhiễm rất cao nếu tiếp xúc gần với người bệnh và không tuân thủ đúng quy định 5K. Việc từng cá nhân, hộ gia đình tuân thủ các chỉ thị của Chính phủ, TP HCM để góp phần phòng chống dịch trong thời gian chờ tiêm vắc-xin cũng ít nhiều gây trở ngại, khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày và công việc. Do đó, DN chúng tôi tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ" bằng sự nỗ lực, linh hoạt và quyết tâm rất lớn của ban lãnh đạo công ty cùng sự đồng lòng, chung sức của tập thể người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng mô hình này trên thực tế, công ty đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, phần lớn đến từ sự lúng túng trong việc phối hợp giữa DN và các cơ quan, ban, ngành từ TP tới quận, huyện.
Nhiều quy định trong mô hình “3 tại chỗ” cần thay đổi, điều chỉnh để phù hợp thực tế. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Để đáp ứng điều kiện cần và đủ theo nội dung Công văn 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly vừa sản xuất - kinh doanh trong DN, liên quan đến mô hình "3 tại chỗ", chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm thuê nhà trọ, khách sạn, ký túc xá ở địa điểm phù hợp để bố trí cho khoảng 200 công nhân lưu trú bởi tất cả các nơi chúng tôi liên hệ đều từ chối vì lo ngại lây nhiễm chéo. Ngoài ra, còn có vướng mắc khác đến từ thủ tục hành chính cùng thái độ né tránh trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi lo ngại xuất hiện ổ dịch trong quá trình DN hoạt động theo phương án "3 tại chỗ". Cùng với đó, không tránh khỏi tình trạng hầu hết cán bộ địa phương đang phải tập trung hết sức cho công tác phòng chống dịch tại các địa bàn dân cư nên có phần chậm trễ trong phối hợp với DN.
DN còn phải đối mặt với việc người lao động từ chối đăng ký tham gia thực hiện phương án "3 tại chỗ" do lo ngại lây nhiễm dịch bệnh tại nơi sản xuất hoặc do tâm lý muốn ngừng việc để chờ thông tin chỉ đạo mới từ TP. Số còn lại rơi vào tình huống nhà ở thuộc khu vực phong tỏa hoặc cư trú tại các tỉnh lân cận nên không thể vào TP làm việc trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16.
Chi phí quá lớn
Trong nhiều khó khăn của DN thực hiện "3 tại chỗ" thì khó khăn đến từ chi phí duy trì mô hình sản xuất này là lớn nhất. Trong một tháng thực hiện "3 tại chỗ", DN chúng tôi đã bỏ ra hơn 3 tỉ đồng chi phí phát sinh. Trong đó, hơn 1 tỉ đồng phục vụ cho 5 lần xét nghiệm với 200 người lao động; 1,2 tỉ đồng chi bồi dưỡng công nhân 200.000 đồng/người/ngày; chi phí mua vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên công ty là hơn 100 triệu đồng; chi phí phục vụ 3 bữa ăn/ngày cho cán bộ, công nhân viên khoảng 500 triệu đồng. Chưa kể, chi phí logistics tăng hơn 130% do các yêu cầu xét nghiệm đối với nhân viên giao nhận, tài xế và phụ cấp độc hại. Đó là chưa kể sự vất vả về sức khỏe, tinh thần của người lao động thì không kể hết.
Trong khi chi phí bỏ ra quá lớn thì năng suất lao động chỉ đạt 60% so với điều kiện bình thường do công nhân tình nguyện làm việc "3 tại chỗ" không đồng bộ, thiếu hụt ở một số bộ phận như vận hành, quản lý sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Thực tế này tạo ra "nút thắt cổ chai" trong dây chuyền sản xuất và gây rủi ro tiềm ẩn về an toàn lao động từ việc lắp ghép lao động không chuyên. Trong khi đó, việc bổ sung phương án lao động từ bên ngoài để khắc phục những hạn chế này cũng không dễ dàng thực hiện dù đã được ban lãnh đạo công ty thảo luận và xây dựng phương án sẵn sàng.
Chúng tôi muốn chờ thông tin chỉ đạo mới của TP trên cơ sở kiến nghị của các hiệp hội trong thời gian gần đây liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Mặt khác, DN chúng tôi cũng không khỏi lo lắng, bất an và phải cân nhắc kỹ khi triển khai phương án sử dụng những công nhân đã ngừng việc và sinh hoạt tại cộng đồng hơn 30 ngày qua bởi họ có thể trở thành nhân tố lây nhiễm chéo trong chuỗi sản xuất. Nhưng mặt khác, việc giữ người lao động thực hiện "3 tại chỗ" kéo dài hơn 1 tháng lại gây ra nhiều vấn đề về tâm sinh lý, khiến họ không tập trung tối đa cho công việc, dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường...
Tiêm vắc-xin càng nhanh càng tốt
Trước tình hình trên, DN chúng tôi kiến nghị triển khai tiêm vắc-xin càng nhanh càng tốt cho toàn bộ người lao động trong các nhà máy bên cạnh việc vẫn tuân thủ đúng quy định 5K.
Đồng thời, kiến nghị nhà nước sớm chi tiền hỗ trợ cho người lao động ngừng việc do dịch Covid-19. Thực tế, công ty đã thực hiện đúng các thủ tục theo quy định gần 1 tháng nay song người lao động vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. DN chúng tôi cũng kiến nghị giảm giá điện 30% cho lĩnh vực sản xuất trong 5 tháng cuối năm 2021 để chia sẻ khó khăn với DN.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh triển khai thủ tục giãn nợ và giảm lãi suất cho vay với DN. Về vấn đề này, DN chúng tôi đã gửi công văn đến các ngân hàng thuộc hệ thống ngân hàng nhà nước nhưng chỉ được giải quyết giãn thời gian trả nợ. Ngân hàng chưa thật sự "chia lửa" với DN trong thời điểm dịch bệnh kéo dài dù Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể.
Song song đó, cần nhanh chóng kích hoạt gói vay lãi suất dưới 3%/năm cho các DN để phục vụ việc trang bị máy móc, thiết bị tự động; thay thế dần máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu. Đây cũng là cách giảm thiểu rủi ro lây bệnh do dây chuyền tự động hóa sẽ giúp giảm thâm dụng lao động thủ công, tạo thuận lợi cho việc chia ca sản xuất, tránh tập trung đông người. Về lâu dài, giải pháp này còn giúp DN nâng cao sức cạnh tranh với đối thủ quốc tế. Việc triển khai gói vay lãi suất thấp có thể giao cho ngân hàng kiểm soát để bảo đảm DN sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Đặc biệt, nhà nước cần sớm có phương án phù hợp để thay thế mô hình "3 tại chỗ" vì DN không đủ sức duy trì lâu dài bởi chi phí đã tăng quá ngưỡng chịu đựng và người lao động khó lòng an tâm làm việc. Phương án phục hồi sớm chuỗi cung ứng, đặc biệt là khâu logistics, cũng rất quan trọng đối với DN xuất nhập khẩu hàng hóa trong giai đoạn hiện nay bởi chi phí xuất khẩu đã tăng khoảng 200% so với quý IV/2020 và chưa có biện pháp hạ nhiệt.
DN cần tiếp cận thông tin sớm
Cũng như nhiều DN khác, chúng tôi mong muốn các thông tin liên quan tới quy định phòng chống dịch trong sản xuất - kinh doanh có thể được truyền đạt đến DN sớm nhất có thể. Bởi vì, có những quy định do chậm trễ thông báo đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện, khiến chi phí bị đội lên gấp nhiều lần, gây lãng phí nguồn lực.
Chẳng hạn, do tiếp cận văn bản quy định về hướng dẫn kiểm soát việc di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và công văn về đề nghị thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước trong thời gian TP HCM tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội mà công ty không kịp đăng ký "luồng xanh" cho xe tải vận chuyển hàng hóa. Toàn bộ sản phẩm làm ra bị kẹt từ ngày 27 đến 29-7 mới có thể giao cho các hệ thống siêu thị. Hay quy định việc áp dụng mô hình "3 tại chỗ" cũng được ban hành và thông tin tới DN quá vội vã, chúng tôi chỉ có 8 giờ để gấp rút triển khai thực hiện.
(*) Xem Báo Người Lao Ðộng từ số ra ngày 13-8
Bình luận (0)