Nguyên nhân là do từ đầu vụ chong đèn (cuối tháng 8-2020) đến nay, giá thu mua thanh long hầu như quanh quẩn dưới mức 10.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân chỉ có thể thu hồi vốn hoặc lỗ, do chi phí đầu tư điện, phân, thuốc… cho vụ chong đèn cao hơn vụ mùa.
Riêng thời gian gần 2 tháng qua, trái thanh long chỉ còn thu mua ở giá dao động từ 5.000 đến 8.000 đồng/kg. Đáng nói là đón đầu thị trường Tết âm lịch, nhiều nông dân đã chong đèn canh lứa chín vào thời điểm tháng chạp để có nguồn thu nhập. Hiện tại, bên cạnh một số vườn thanh long đang chín, nhiều địa bàn trồng trái cây này tại Bình Thuận còn có các lứa chín rải rác từ nay đến Tết. Nếu giá thanh long vẫn không nhích lên, nhiều hộ nông dân có nguy cơ mất Tết.
Nhiều nhà vườn thanh long lo mất Tết vì giá bán xuống thấp
Anh Nguyễn Ngọc Nguyên - một nông dân tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - chưa khi nào lại có mong muốn ngược đời là trái thanh long chín chậm lại như lúc này. Nguyên nhân là do 6.000 trái thanh long nghịch vụ của anh lại chín vào thời điểm giá thu mua quá thấp khiến anh không muốn bán ra lúc này. "Để đón Tết, gia đình tôi chong đèn trên 400 trụ thanh long, ra được 6.000 trái, nếu giá thu mua quá thấp như hiện nay thì coi như lứa Tết này cầm chắc phần lỗ" - anh Nguyên lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Hà - thương lái thu mua thanh long tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận - giải thích: "Do yêu cầu thu mua từ các đối tác không nhiều nên chúng tôi cũng không mặn mà tìm đến các vườn. Hiện tại, dù gần Tết nhưng đơn hàng cũng không tăng mấy so với ngày thường, vì vậy giá mua không thể nhích lên".
Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, hiện nay, thị trường xuất khẩu chính của trái thanh long vẫn phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Vì vậy, khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này biến động thì giá thanh long cũng trồi sụt theo. "Giá thấp là do phía Trung Quốc thu mua ít. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh phức tạp bên Trung Quốc cũng tác động đến hoạt động xuất khẩu cũng như giá thu mua loại trái cây này" - ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho biết.
Cũng theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, nhiều đơn vị xuất khẩu xúc tiến vào thị trường tiềm năng này. Tuy vậy, rào cản về kỹ thuật xuất khẩu nghiêm ngặt nên hiện chỉ có khoảng 3 doanh nghiệp xuất khẩu được thanh long sang thị trường châu Âu là: Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, Công ty TNHH MTV Rau quả Bình Thuận và Liên hiệp HTX Dịch vụ Sản xuất thanh long Bình Thuận.
Bình luận (0)