Loại thanh long xuất khẩu trọng lượng từ 0,3 kg/trái chỉ có giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, giảm khoảng 2/3 so với cách đây hơn tuần. Giá giảm mạnh trong khi vườn thanh long đang chín tới, người trồng càng thêm lo lắng khi chưa có thương lái hỏi mua.
Anh Trần Văn Hiếu, xã Mương Mán (huyện Hàm Thuận Nam) có 10 tấn thanh long đang kêu người vuốt tai để chuẩn bị bán nhưng chưa thấy thương lái tới mua. "Mọi khi thanh long bắt đầu ửng đỏ là có người đến phát giá ngay. Riêng lứa này trái đã chín hẳn rồi mà không ai tới. Tôi có gọi vài mối quen nhưng họ ậm ừ rồi tắt máy" - anh Hiếu nói.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, do xuất khẩu thanh long đang gặp khó, một số doanh nghiệp chỉ mua tạm thời để lưu kho nên giá thu mua giảm mạnh, kể cả hàng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Đặc biệt, việc nhiều cửa khẩu phía Bắc dừng thông quan khiến lượng hàng tồn kho ở các doanh nghiệp thu mua thanh long rất lớn, tạo áp lực lên thị trường.
"Số lượng xe thanh long Bình Thuận bị kẹt ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc (tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh) khoảng 400 (tương đương 8.000 tấn thanh long). Tuy nhiên, số này đang có xu hướng giảm do các chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa tại các tỉnh phía Bắc" - ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, thông tin.
Nhiều vườn thanh long tại Bình Thuận chín đỏ nhưng thương lái không mặn mà thu mua
Còn theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, ngoài đường bộ, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đang tìm cách chuyển hướng sang xuất khẩu bằng đường biển để giảm tải áp lực tiêu thụ, lưu kho. Tuy nhiên, phương án này cũng khó khả thi vì chi phí đang tăng cao.
"Các doanh nghiệp đang tìm cách xuất khẩu thanh long bằng tuyến biển nhưng trước đây, cước phí mỗi container chỉ khoảng 60, 70 triệu đồng thì nay đội lên gần 200 triệu đồng/container. Chúng tôi kiến nghị các ngành liên quan sớm có giải pháp thông quan đường bộ để giảm bớt khó khăn cho thanh long Bình Thuận" - ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, cho biết.
Để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của Bình Thuận đang rà soát sản xuất gắn với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ thanh long trong thời gian tới, nhất là đợt thu hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần để tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu.
"Chúng tôi tiếp tục theo dõi, trao đổi thường xuyên với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm bắt tình hình và phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phân ra ở nhiều cửa khẩu, tránh tập trung vào một cửa khẩu, qua đó hạn chế hiện tượng ùn tắc hàng hóa khi thu hoạch rộ.
Chúng tôi cũng vận động doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu chính ngạch thanh long bằng đường biển để cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phía Đông và các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc" - ông Biện Tấn Tài cho hay.
Bình luận (0)