xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng

PHƯƠNG NHUNG

Dự báo 39.000 MW công suất điện bị chậm đưa vào vận hành, nguy cơ thiếu điện ngay từ năm 2019

Chưa khi nào trong phiên chất vấn tại một kỳ họp Quốc hội, số lượng câu hỏi về nguy cơ thiếu điện được đại biểu đặt ra lại nhiều như kỳ này.

35 dự án chậm tiến độ 1-5 năm

Giải trình trước Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết dự kiến điện năng sản xuất năm 2019 sẽ đạt 240 tỉ KWh, tăng trên 10% so với 2018. Tuy nhiên, con số này chưa đủ để giải quyết vấn đề thiếu điện và cần giải pháp tháo gỡ hữu hiệu. Trong khi đó, tình trạng dự án chậm tiến độ đang trở nên trầm trọng khi trong khoảng 60 dự án đang đầu tư, có đến 35 dự án công suất 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1-5 năm, thậm chí kéo dài hơn. 

Như vậy, sẽ có 39.000 MW công suất điện bị chậm đưa vào vận hành, dẫn tới nguy cơ thiếu điện ngay từ năm 2019. "Từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần vốn đầu tư khoảng 130 tỉ USD, bình quân khoảng 12 tỉ USD/năm (khoảng 9 tỉ cho đầu tư nguồn điện và 3 tỉ đầu tư cho lưới điện). Rất khó khăn để có thể huy động nguồn vốn đầu tư này" - Phó Thủ tướng nêu nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của rất nhiều dự án điện.

Một nguyên nhân khác nhiều lần được lãnh đạo Bộ Công Thương đề cập là do có sự thay đổi trong quan điểm của Chính phủ với các dự án hạ tầng thuộc các tập đoàn nhà nước: các dự án điện không còn được Chính phủ bảo lãnh vay vốn. Thay vào đó, các tập đoàn có dự án điện như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải vay thương mại với lãi suất cao cùng điều kiện ngặt nghèo hơn. Do các dự án năng lượng đa phần có quy mô lớn, nhu cầu vốn cao (thường trên 2 tỉ USD) nên việc thu xếp vốn hết sức khó khăn, dẫn tới kéo dài tiến độ dự án.

Năng lực của nhà đầu tư, tổng thầu cũng góp phần không nhỏ dẫn tới nguy cơ thiếu điện của Việt Nam thời gian tới. Trong Báo cáo số 58/BC-BTC về tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), Bộ Công Thương chỉ rõ tại một số dự án như Nhà máy điện Nam Định 1, Vĩnh Tân 3, Sơn Mỹ 1 năng lực tài chính, kỹ thuật, nguồn lực nhân sự của một số nhà đầu tư không bảo đảm, thậm chí chưa có kinh nghiệm trong đầu tư, vận hành nhà máy điện. Để tiếp tục theo đuổi dự án, các nhà đầu tư có khả năng phải tìm cách chuyển nhượng một phần vốn cho nhà đầu tư khác, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro tiếp tục gây chậm trễ. Tương tự, một số tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) hạn chế về năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm như tại dự án Thái Bình 2, Long Phú 1, cũng làm cho tiến độ bị chậm.

Ngoài ra, hàng loạt vướng mắc khác liên quan đến việc thiếu đồng bộ, chồng chéo giữa các luật, thủ tục đầu tư xây dựng; công tác đền bù giải phóng mặt bằng… cũng góp phần làm đình trệ các dự án điện.

Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng - Ảnh 1.

Công nhân điện lực bảo trì lưới điện tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Không còn dự phòng

EVN cho biết nhu cầu sử dụng điện đến cuối năm tiếp tục tăng cao, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm do lưu lượng nước về và mực nước tại các hồ thủy điện rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Dự kiến, năm 2019 tập đoàn phải huy động khoảng 2,57 tỉ KWh điện từ chạy dầu với chi phí rất cao. Đến năm 2020, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể tăng tới mức 8,6 tỉ KWh.

Một tính toán khác của Bộ Công Thương cho thấy sản lượng điện thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỉ KWh, năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỉ KWh, năm 2023 là 15 tỉ KWh (tương ứng 5% nhu cầu). Lượng điện thiếu hụt giai đoạn 2024-2025 có thể giảm dần nếu được bổ sung nguồn điện từ một số các cụm nhiệt điện khí đang được triển khai. Riêng năm 2020 gần như không có dự phòng nguồn điện nên có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, nhiên liệu than và khí cho phát điện thiếu hụt.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đánh giá nguy cơ thiếu điện hiện nay đã được tích tụ từ nhiều năm trước. Cụ thể, dự án điện hạt nhân với tham vọng đưa vào vận hành năm 2020 và đạt công suất 10.700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỉ KWh điện năm 2030 đã bị đưa ra khỏi quy hoạch vào năm 2016. Bù đắp cho sự thiếu hụt này là sự phát triển trở lại các dự án nhiệt điện than nhưng các dự án này không đạt tiến độ theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), dẫn đến không hoàn thành mục tiêu bổ sung 7.000 MW điện mỗi năm. 

Chưa kể, đòi hỏi về vấn đề môi trường trong phát triển nhà máy nhiệt điện đã đặt ra những áp lực rất lớn. Nguồn điện vốn nhận được kỳ vọng lớn trong xã hội thời gian qua là năng lượng tái tạo hiện có công suất lắp đặt chiếm tỉ trọng khoảng 9% tổng công suất nguồn điện cả nước nhưng sản lượng mới chỉ đạt 2,5%. "Chính sách giá ưu đãi cho điện mặt trời đã kéo theo làn sóng đổ xô đầu tư vào nguồn điện này khi lưới truyền tải chưa đủ đáp ứng, hậu quả là có công suất nhưng không đưa điện lên lưới được" - ông Ngãi chỉ ra.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận nguy cơ thiếu điện trong năm 2020 đang rất lớn. Trong điều kiện không còn nguồn nào khác để khai thác, thời gian tới sẽ phải phát triển mạnh điện khí. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ dàng khi các dự án khí như dự án khí Lô B, mỏ khí Cá Voi Xanh đang chậm trễ, chưa đủ điều kiện bảo đảm để phát điện cho khu vực miền Trung, Nam Bộ. Bộ Công Thương trong Quy hoạch Phát triển điện VIII cho biết sẽ đặc biệt quan tâm đến phát triển các trung tâm năng lượng sử dụng khí nhập khẩu nhưng vấn đề đặt ra là giá điện khí rất cao, ước tính không dưới 11 UScent/KWh. 

Kỳ tới: Tiết kiệm hay tăng giá?

Cấp bách tìm giải pháp

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong cuộc họp khẩn về các dự án điện trọng điểm ngay sau khi kết thúc phiên chất vấn tại Quốc hội đã nhấn mạnh: "Tình hình đang rất cấp bách và chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa". Cụ thể, bộ trưởng yêu cầu các đơn vị, cơ quan liên quan rà soát lại khung pháp lý, báo cáo, có biện pháp cụ thể xử lý ngay các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ. Trong đó, đánh giá cụ thể từng dự án, vướng mắc ở đâu, khó khăn chỗ nào, khả năng đáp ứng được tiến độ đến đâu. Trong trường hợp không đáp ứng được về mặt tiến độ thì giải pháp thay thế là gì? Nếu nhập khẩu điện thì nhập khẩu ở nguồn nào, giá cả ra sao, khả năng đấu nối ra sao?...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo