Dự án điện hạt nhân đã dừng từ năm 2016, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa tìm ra công nghệ nào có thể thay thế điện hạt nhân, trong khi nguồn năng lượng truyền thống đã cạn. Đây là quan điểm của ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tại Diễn đàn năng lượng do Bộ Công Thương tổ chức hôm nay 21-8.
Theo ông Nguyễn Quân, Việt Nam đã phải nhập than, sắp tới phải nhập khí hóa lỏng. Trong khi trên thực tế, triển khai nhiệt điện gặp một số vấn đề về người dân phản đối vì cho rằng gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, thuỷ điện đã hết nguồn công suất, còn năng lượng tái tạo giàu tiềm năng nhưng hiệu quả thấp, không ổn định.
Ảnh minh họa
"Cho dù ta có nhiều dự án điện mặt trời thì chắc chắn phụ tải không thể trông cậy vào nguồn này được" - ông Quân nhấn mạnh. Từ những vấn đề vừa phân tích, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN cho rằng về lâu dài, Việt Nam phải tính đến điện hạt nhân.
Ông Nguyễn Quân cho rằng dù chúng ta đã dừng điện hạt nhân vào năm 2016 vì một số lý do, nhưng trong tương lai không thể không làm điện hạt nhân. Ông Nguyễn Quân cũng dẫn chứng trường hợp Nhật Bản dừng điện hạt nhân sau thảm họa sóng thần, nhưng đất nước này sẽ khởi động lại điện hạt nhân trong một ngày không xa với mức độ an toàn cao hơn.
Do đó, ông Nguyễn Quân cho rằng Việt Nam phải chuẩn bị phương án để phát triển điện hạt nhân, dù ở thời điểm hiện tại chưa có cơ sở nào để phát triển nguồn điện này một cách an toàn và hiệu quả nhất bởi những hạn chế về nhân lực, công nghệ...
Đối với việc phát triển điện hạt nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN nhấn mạnh không nên để nước ngoài làm theo phương thức "chìa khóa trao tay" vì việc này cực kì nguy hiểm đối với an ninh năng lượng và an ninh quốc gia. "Đặc biệt là trong thời đại số, cá nhân, tổ chức có thể điều khiển nhà máy điện hạt nhân từ cách xa hàng ngàn cây số, thậm chí từ ngoài không gian"- ông Nguyễn Quân cho hay.
Nguyên Bộ trưởng đề xuất có thể mời các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng vận hành phải là người Việt Nam. Song song với đó là triển khai đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Quân kiến nghị các bộ ngành sớm xây dựng trung tâm khoa học kỹ thuật hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân do Liên bang Nga giúp đỡ, thay cho lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt. Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN kỳ vọng đây sẽ là nơi đào tạo cán bộ ngành hạt nhân cho Việt Nam.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỉ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỉ kWh và đến 2035 là 506 tỉ kWh điện. Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ giảm nhiều so với trước đây, vào khoảng 8,5% trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 7,5% trong giai đoạn 2026-2030 (trong khi có thời điểm trước đây tăng trưởng tới hơn 12%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng trung bình là 11%) nhưng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống vẫn rất cao.
Tính đến nay, hệ thống điện Việt Nam có khoảng 54.000 MW điện bao gồm cả các loại năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời mới đưa vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu điện của năm 2020, cần khoảng 60.000 MW công suất nguồn, đến năm 2030 cần 130.000 MW công suất nguồn điện. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh nhiều dự án đang chậm tiến độ, việc thu xếp nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư mới về nguồn và lưới điện không dễ dàng, các nguồn than, khí nhập khẩu phụ thuộc từ bên ngoài…
Bình luận (0)