Thông tin từ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết đại dịch Covid-19 đã làm cho sản lượng điều hành bay bị sụt giảm nghiêm trọng, thu không đủ bù chi.
Năm 2020, sản lượng điều hành bay của VATM chỉ đạt 423.466 lần chuyến bằng 43,52% so với thực hiện của năm 2019, trong đó sản lượng điều hành bay quá cảnh là hoạt động mang lại nguồn thu chính cho VATM chỉ đạt 141.917 lần chuyến, bằng 30,7% so với năm 2019. Chỉ tiêu doanh thu của VATM cũng bị sụt giảm tương ứng do sụt giảm về sản lượng. Năm 2020, doanh thu của VATM chỉ đạt 1.891 tỉ đồng, bằng 44% so với thực hiện của năm 2019.
Kíp trực tại Trung tâm Kiểm soát tiếp cận - tại sân Nội Bài - Ảnh: VATM
Theo số liệu thống kê, sản lượng điều hành bay 5 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 161.265 lần chuyến bằng 73% so với thực hiện cùng kỳ năm 2020. Với tình hình dịch như hiện nay, dự kiến sản lượng điều hành bay cả năm 2021 chỉ bằng khoảng 67% so với thực hiện của năm 2020, tổng doanh thu năm 2021 dự kiến tiếp tục sụt giảm và chỉ bằng khoảng 76% so với thực hiện của năm 2020. Những con số ước tính này sẽ còn thấp hơn nữa nếu tình hình đại dịch kéo dài trong nhiều tháng tới.
Doanh thu của VATM còn bị ảnh hưởng do các hãng hàng không gặp khó khăn về tài chính dẫn tới khó khăn trong việc thanh toán tiền điều hành bay cho VATM, bên cạnh đó việc Chính phủ áp dụng chính sách giảm giá điều hành bay đi, đến quốc nội bằng 50% mức giá quy định để giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không trong nước, làm tăng thêm khó khăn cho tình hình tài chính của VATM. Thực tế, mức thu phí điều hành bay đi, đến hiện nay không đủ bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ mà VATM phải bỏ ra.
Phối cảnh của Đài Kiểm soát không lưu Long Thành - Ảnh: VATM
Đặc biệt, cho dù tần suất và mật độ bay giảm nhưng các lực lượng trực tiếp tham gia dây chuyền cung cấp dịch vụ như kiểm soát viên không lưu, nhân viên kỹ thuật, nhân viên thông báo tin tức hàng không… vẫn phải duy trì chế độ ca kíp, các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật chuyên ngành vẫn phải đảm bảo hoạt động 24/7 để đảm bảo cung cấp dịch vụ thường xuyên liên tục, theo đúng các vị trí do nhà chức trách hàng không quy định.
Hơn thế nữa, trong những đợt dịch bùng phát, để đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động trong dây chuyền cung cấp dịch vụ, Tổng công ty phải áp dụng kích hoạt kế hoạch ứng phó đại dịch tại các cơ sở điều hành bay, theo đó, lực lượng lao động trong dây chuyền phải trực chốt theo từng kíp tại đơn vị, mỗi kíp liên tục 14 hoặc 21 ngày tùy diễn biến mỗi đợt dịch, đơn vị bố trí ăn, nghỉ tại đơn vị.
Năm 2020, VATM chỉ đủ chi trả mức tiền lương theo hợp đồng lao động và khoảng 30% tiền lương giờ cho kiểm soát viên không lưu. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, dự kiến tiền lương năm 2021 còn khó khăn hơn nữa. Mức sụt giảm thu nhập này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động và hoạt động của Tổng công ty.
Bình luận (0)